Tháng Tư, nhẹ như những sợi bông thanh khiết bay ra từ quả gạo trên cao, lẳng lặng trên cao, chầm chậm ca dao. Thứ sắc đỏ quê mùa ẩm ướt kia đã nhường không gian và cả thời gian cho giai điệu hoa loa kèn luân mùa chuyển nhịp. Những bông loa kèn bật ra mùa hè của nó thứ sắc trắng dịu dàng, thứ sắc trắng khẽ khàng, trắng như một câu hát ru mênh mang thế gian.
Trưa hè bên chiếu võng đưa,
Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng.
Không hiểu sao cứ mỗi tháng Tư về tôi bâng khuâng những lời ru đến vậy. Lời ru của mẹ, lời ru của bà, lời ru của ông cha, lời ru từ những nụ hoa đã bật ra từ đâu đó trong khu vườn trưa vắng. Lại là những trưa vắng, những trưa vắng tôi tha thẩn chơi ở góc vườn bé thơ, có loài hoa loa kèn đã nở, có câu hát ru nhà bên cũng nở:
Trưa hè bên chiếu võng đưa,
Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng.
Vậy là những lời ru xưa mặc nhiên đối với tôi đã là chớm hạ, đã là đầu hương, đã là thanh tao sắc trắng loa kèn, đã là những trong như nắng vàng lên mê mải nắng…
Kìa nắng! Nắng đã chao ơi đời nắng từ những ngày rau đắng nấu canh, Nắng đã chang chang đời nắng từ những triền đê chiều hoang vắng đường quê.
Mắt em ư? Mắt em cũng như những đốm loa kèn ngoài kia đã gửi lại tháng Tư câu hát ru cuộc đời. Hay phải chăng cuộc đời em, cuộc đời tôi, cuộc đời bạn, cuộc đời của những ai kia đã thênh thang bên đời chỉ là giai tầng của những câu hát ru lững lờ tháng Tư, ẩn ức tháng Tư.
Ẩn ức tháng Tư. Đừng hỏi vì sao hoa loa kèn luôn như một cô gái bước ra từ cổ tích. Đừng hỏi vì sao đôi mắt anh chạm đôi môi em bằng một chiều ca dao. Cũng đừng hỏi vì sao những dòng sông ùa vào đại dương nửa đêm nức nở… Ấy là khi những yêu thương của chính con người đã à ơi theo cánh cò mà bay lả bay la. Những cơn giông, những cánh đồng, những dòng sông, đã nhoài theo câu hát.
Hát trong vô thức. Yêu trong vô thức. Đẹp trong vô thức. Lời ru bước ra từ vô thức, trên một bến phà sông quê mà tôi ngỡ chập chờn đã một giấc mê. Lời ru đã từ lâu lắm, câu hát ấy đã từ lâu lắm, lâu từ của phủ lâu ra cánh đồng…
Người đàn bà chang chang trên đầu, người đàn bà lanh cha lanh chanh bến phà, xuôi phà ngược phà, bán vài thứ quà vặt cho khách đợi phà, cho người theo phà, cho những làn khói nắng thở phà phà trên sông. Nhưng người đàn bà cũng tay bế tay bồng, một đứa con thơ trên cánh tay đàn bà quạnh vắng. Tôi lấy làm lạ, cánh tay đầy nắng ấy, cánh tay dường như đang phải quá sức nâng đứa con vào sát vòm ngực tháng Tư kia giắt một bông hoa loa kèn đủ làm tươi mát một trưa hè non nớt. Hình như từ bến phà đến vùng đất Thuận Vy bên phía nhà tôi, bên phía bờ sông, bên phía ruộng đồng nhà ai nhà ai kia cũng chỉ vừa bằng một câu hát à ơi…
Người đàn bà vừa mời chào khách vừa ven vén:
Trưa hè bên chiếu võng đưa.
Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng.
Tôi có mấy lần vòng quanh câu hát mà ngó nhìn gương mặt đứa trẻ. Nó ngủ ngon lành, mát rượi bên cánh hoa còn tươi như hoa. Trắng leo lẻo như một màu cổ tích. Kể từ ấy hoa loa kèn, tháng Tư và câu hát ru đã găm vào trong trí não tôi như một ẩn ức về con người.
Những tháng Tư đi qua cuộc đời tôi, những tháng Tư tôi đi qua cuộc đời ai, khi thì chậm rãi, khi thì sốt sắng, khi thì cũng ồn ào đùn đẩy như mấy cái đầu tàu lai dắt chiếc phà xưa bến phà. Nhưng hình như tháng Tư năm nào cũng vậy, tôi cứ luôn tự hỏi mình đứa bé năm xưa trên tay mẹ nó bây giờ ra sao, câu hát ru trên đôi môi ven vén mẹ nó bây giờ nơi nao, còn màu loa kèn đã chang chang từ phía bãi bờ quê tôi bên kia con sông còn ru à ơi? Cũng thỉnh thoảng những khi một mình, những khi đường xa người đâu, những khi mà tôi biết khoảng cách từ mình đến một người khác dài hơn 1 cái khoác tay, ngắn hơn một bước nhảy, gần hơn một ánh nhìn… tôi lơ đễnh hát:
Trưa hè bên chiếu võng đưa.
Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng.
Nhưng lần nào cũng vậy, sau khúc ru tự hát, sau những hình ảnh chập chờn chắp vá về bến phà xưa nham nhở nắng, nham nhở gió, chang chang lênh loang loa kèn, mang mang phận người cơ hàn… thì tôi đều chạy tìm về phía mẹ. Những cuộc chạy về còn nhanh hơn cả người ta bỏ chạy. Đứa bé năm xưa ấy, chẳng biết sau này có chạy mà tìm về tháng Tư?
Nói là chạy, nhưng con người ta càng lớn thì đôi chân càng ngắn, chạy bao cơn mơ, chạy bao cơn mưa, chạy bao cánh đồng, chạy bao nhiêu thân cò lặn lội bờ sông để khi chạm được về câu hát ru thì thấy mình mồ hôi chan chứa chiêm bao.
Đời người chẳng phải là một giấc chiêm bao mà chiêm bao lại ngay dưới đôi bàn chân mình, có lúc tưởng đã là đá mềm chân cứng, nhưng kỳ thực chính tôi đã bao lần phải níu vào những câu hát ru tròn vo kia, cưng nựng dỗ dành kia, mềm như như nước mỏng hay dày như gió kia mà cứng cáp vươn vai. Những câu hát ru của mẹ đã như một thứ ngôn ngữ lập trình mang theo con suốt một đời.
Một ngày Đông buốt khi còn học ngoài Hà Nội, tôi bị cuốn vào một cơn sốt rét, trong căn phòng trọ leo lét căm căm. Nằm một mình trong đêm, sau mỗi cơn co giật, cảm giác mình đang bị thế giới ồn ào ngoài kia bỏ rơi. Có lúc tôi như thấy mình đang ở trong một vũng chiêm bao, nỗi sợ hãi, sự cô đơn, sự yếu đuối chập chờn… Nhưng chính trong lúc sức trẻ của tuổi 20 đã ném cho cơn hoảng loạn ấy tôi bám víu được vào lời ru của mẹ. Có lúc là mẹ hát, có khi là một trưa vắng hát, và tôi thầm hát… Cơn sốt rét của tôi lẳng lặng ra đi như sau một cơn bão nhiệt đới đầu mùa. Có một chút tan hoang thể xác, nhưng gió trên đầu đã yên ả trời xanh…
Nhiều tháng Tư đi qua tôi, nhiều bước chân tôi đi qua tháng Tư, đi qua cả những lời ru sau cơn mưa cầu vồng. Một ngày tôi đã trung niên, ở một dải đất xa lạ, trên đường vào cửa ngõ Tuticorin – một thành phố nằm ở Tamil Nadu, Ấn Độ, Khi ngang qua một con đường vắng rất nhiều cây cối rậm rạp và bầy quạ, tôi bắt gặp một đứa trẻ còn đang tuổi tập bò mà người thân của nó đặt nó trong một ngư cụ giống như cái mủng thúng có ở nhiều vùng duyên hải Việt Nam.
Đứa bé cứ loay hoay bò và trườn trong cái thúng tròn ấy, giữa một trưa tháng Tư không có loài hoa loa kèn đã từng chớm hạ như ở phía bên kia bờ bãi, đất quê tôi. Đứa bé khóc ré lên theo một chu kỳ, cùng những chu kỳ nhộn nhạo gian manh của đàn quạ. Những tiếng khóc dường như cũng là một thứ ngôn ngữ lập trình của ấu thơ, từ khi loài người và từ khi con người. Giữa trơ trọi nắng, giữa rao rát gió, giữa màu xanh nhát nhát bên bờ biển Coromandel của Vịnh Bengal tôi bỗng thấy khát một lời ru…
Trưa hè bên chiếu võng đưa.
Mẹ ru con ngủ, mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng vàng.
Băng qua con đường với nhiều thanh âm và sắc màu ám ảnh ấy, tôi thấy mình như đang lơ lửng tháng Tư quê nhà, lơ lửng những dòng phù sa châu thổ nhà quê. Và khi ấy, như mới vừa hôm qua, như mới vừa đâu đây, như vừa mới chang chang lấp loáng loa kèn, người đàn bà bế con mưu sinh trên bến phà năm nao, cứ chao nắng, chao gió, mà lộng lẫy yêu thương, như một người mẹ đương thời.
Tôi đi giữa đất nhà người ta, tôi đi giữa tháng Tư nhà người ta, tôi đón nắng đón gió nhà người ta, tôi nghe tiếng trẻ thơ đang khóc nhà người ta… mà thấy nhớ thương những đóa hoa quê nhà. Một thứ quê nhà mà lời ru khắc họa vào cả trong mỗi hình hoa. Lời ru loa kèn trong tôi lớn lên từ dạo ấy… trắng như một câu hát ru mênh mang thế gian.
Hồ Huy
(Cổ vũ cho các tác giả tham gia cuộc thi này)