À ơi… con ngủ cho ngon. Ấm trong lòng mẹ vuông tròn tháng năm. Con trong lòng mẹ, niềm vui lớn dần theo năm tháng, lời ru có thể là tiếng à ơi… bài hát ru mẹ nhẩm thuộc để đợi con chào đời. Lời ru có thể là khúc dân ca quan họ, hay điệu chèo… mẹ gửi vào đấy nỗi niềm hân hoan, hồi hộp đón ngày mình được làm mẹ. Con chào mẹ bằng cái quẫy đạp tín hiệu của sự sống đang lớn dần.
À ơi… Lời ru che chắn bão giông. Nuôi con từ giọt máu hồng mà lên. Quê tôi đồng chiêm tôi còn nhớ như in những ngày ấy. Mẹ tôi vội đồng xa về, bàn chân, bàn tay nấm bùn, mẹ chỏa xuống cầu ao để vào với các con. Con khát sữa lần tìm vú mẹ. Phút thảnh thơi lời ru của mẹ lại cất lên: “À ơi con ngủ cho ngon để mẹ đi cấy đồng xa lâu về, bắt được con cá rô trê, cầm cổ lôi về nấu nướng cho ăn…”. Con đã no đi vào giấc ngủ, mẹ ngắm con: ” cái nét này giống bố, cái nét này giống mẹ…”.
Mẹ mỉm cười những vất vả cũng tan biến hết. Cũng là chỉ thảnh thơi trong giây phút, mẹ đặt con lên võng: “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan”. Mẹ lại tất tả tay năm ta mười với những việc không tên ở nhà. Tiếng võng tre kẽo kẹt là âm thanh cất lên thay cho lời ru của mẹ.
Tôi là con cả trong gia đình có sáu anh chị em, tuy là con trai nhưng từ đứa em thứ năm, thứ sáu là tôi được bố, mẹ giao cho nhiệm vụ thỉnh thoảng có lúc được ru em. Những lời ru tôi học được từ mẹ câu thuộc, câu không, trúc trắc đến nỗi mấy đứa em lớn nghe tôi ru thì cười ré lên. Mẹ bảo: Các con phải học thuộc những câu hát ru ấy đi, ngày xưa, mẹ cũng học từ bà ngoại đấy.
Mẹ khuyến khích chúng tôi thuộc bài bằng những con muồm muỗm, bằng bát canh cua đồng béo ngậy. Tôi còn nhớ ngày ấy, hàng xóm với nhà tôi là gia đình chú Ba, vợ chú mất do cảm sau một buổi làm đồng về để lại chú với ba người con còn nhỏ. Những trưa hè nóng nực, những đêm đông buốt giá từ ngôi nhà ấy vẳng lên tiếng người cha ru con. Tiếng ru ơi hời chơi vơi, tiếng ru đọng đầy mưa nắng, đọng đầy mồ hôi nhưng không bi lụy mà vẫn gửi gắm vào đấy những ước vọng khát khao: “Ạ ời, ạ ơi… làm trai quyết chí tu thân. Công danh chớ vội nợ nần chớ lo. Con ơi muốn lên thân người, lắng tai con nhớ những lời cha ru.”.
Cũng có mấy mối lái nhưng chú cứ ở vậy nuôi con. Các con chú khôn lớn trưởng thành và ai cũng thành đạt. Bây giờ trong ngôi nhà cũ mới được làm lại khang trang, con cháu về thăm và tiếng ông ru cháu lại thi thoảng cất lên. Vẫn câu ru ngày xưa. Câu hát ru có bao giờ cũ. Tình yêu thương những ước vọng gửi vào lời ru thì có bao giờ cũ.
Mẹ đồng bằng trong lời ru có hương đất, hương đồng, hương của quả cà bát tương, có cánh có bay lả bay la, có bờ tre bến nước sân đình có phù sa sông Hồng đỏ nặng. Có ước vọng bát ngát.
Mẹ núi cao, mẹ địu con lên nương, trong lời ru của mẹ có trập trùng đá núi. Ngủ ngon con ơi, ngủ ngon con hỡi! Mồ hôi mẹ thấm vào lời ru, thấm vào ngực con, thấm vào đá núi, đá nẩy mầm xanh, bắp ngô lên xanh. Lời ru của mẹ vọng vào đại ngàn, đại ngàn thêm trùng điệp, lời ru mẹ hoà vào suối đầu nguồn suối trong xanh ngọt ngào hơn. Lời ru gửi ước vọng nay mai con vững như tảng đá như cây lim, cây sến trong rừng.
Mẹ vùng biển, trong lời ru có rạt rào sóng vỗ, có ước vọng con lớn lên vững tay chèo lái cho con thuyền vượt trùng khơi chở về no ấm. Có phải chăng ngàn năm về trước cha Lạc Long Quân 50 người con lên rừng, mẹ Âu Cơ 50 xuống biển. Lời ru tha thiết của người mẹ, người cha để các con tìm đến nhau để mà yêu thương vai kề vai, tay nắm chặt bàn tay dựng lên cơ đồ đất Việt.
Một lần tôi về thăm quê, chú Ba gọi tôi sang nhà, giót mời tôi chén trà run run chú nói”: Chú năm nay tám mươi nhăm tuổi rồi, còn anh cũng chỉ kém chú hai chục tuổi thôi, người già thường hay hoài cổ, chú cho anh xem bức thư này của thằng con trai, đã mươi năm rồi chú vẫn giữ”. Tôi đón bức thư từ tay ông có chỗ chữ nhòe đi vì thấm nước. Tôi xin phép ông được trích một đoạn: “Bố ơi nơi đảo xa, con vẫn nhớ lời bố ru con ngày nào. Nhớ tiếng hát ru con lại nhờ Youtube để được nghe lại.”.
Chú Ba nói với tôi: “Nhờ cái gì ấy mà thằng con tôi được nghe tiếng hát ru thì tôi không rõ vì cả đời tôi có ra khỏi làng đâu chỉ biết làm và nuôi con thôi điện thoại thì vẫn đen trắng chỉ biết nghe và gọi nhưng nó báo nhớ lời tôi ru là mừng rồi”.
Thì ra là vậy, tôi nắm tay chú Ba mà mừng cho chú có người con như vậy, mừng cho lời ru quê nhà vượt muôn trùng sống gió ra đảo khơi cùng người lính giữ biên cương tổ quốc.
Ạ ời, ạ à ơi…Những mùa gió táp mưa rơi. Củ khoai cõng những phận người lắt lay. Đất nghèo hạt thóc cũng gầy. vẫn trong ân nghĩa, vẫn đầy lời thương. Tháng ba, ngày tám năm nao đất nghèo củ khoai lót dạ nhưng lời ru của mẹ vẫn đầy đặn, yêu thương của mẹ vẫn đầy đặn. À ơi nảy lộc đâm chồi. Mùa xuân bát ngát trong lời mẹ ru. Con là chồi lộc của đời mẹ, là chồi lộc của cuộc đời là chồi lộc, niềm hy vong của đất nước. Mùa xuân trong lời ru của mẹ cho những chồi, những lộc ấy vươn lên.
Yên Thế: 3-2024
Vũ Hoàng Nam