31 C
Hanoi
Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Ngọt ngào lời ru

Tôi sinh ra và lớn lên trên...

Lời ru bên dòng sông

"À ơi! Con cò mà đi ăn đêm Đậu...

Tìm trong câu hát

Đã lâu rồi tôi chưa nghe lại...

Người viết tản văn như tình ca

Giới Thiệu SáchNgười viết tản văn như tình ca
Hiền lành và giản dị. Chân thành và ấp ủ. Cảm giác người viết như sẵn sàng nhỏ lại để những thanh âm dù là vi tế, những hình ảnh dù đã lỡ nhạt nhòa, những yêu thương dẫu là bé bỏng có thể vỡ òa yêu thương.
Ấy là những tản văn như tình ca mà người viết thì thầm hát còn người đọc thấm tháp tự bao giờ ngỡ đâu tình ca ấy là của chính mình, hôm nay, ngày mai hay là hôm qua những buổi yêu thương chập chững cuộc đời. Yêu thương nào không thôi những khát khao?
Đừng ngạc nhiên khi tôi đang nói về chính cuốn sách bạn đang cầm trên tay. “Sông Hồng hát” của tác giả Lê Minh, người viết tản văn như tình ca, hay bạn có thể ví von người viết tình ca bằng tản văn, điều đó tùy thuộc vào tự do của bạn.
Từ những ngày đầu dấn thân vào trò chơi sáng tạo, Lê Minh đã đem lòng yêu tản văn như tình yêu của mùa hè dành cho những cơn mưa. Có lúc vồn vã, có lúc ngập ngừng, nhưng sự bền bỉ thì đã đeo đẳng Lê Minh khiến những con chữ của anh biết hát.
Với 38 tản văn vừa đủ xinh xắn, lần đầu tiên Lê Minh trình diễn những âm hưởng trữ tình, những nhớ thương, những xưa cũ, những Ngôi nhà xưa, những Tình người tri kỷ, những Hương vị quê xưa hay dẫu chỉ là bông hoa bồ công anh bé nhỏ, tất cả đều đẹp và xúc động.
Không cầu kỳ uốn nắn, không khoa trương lộng lẫy, vẻ đẹp trong câu chữ của Lê Minh lại chính là vẻ đẹp thẩm thấu từ trái tim anh. Tôi cho rằng đó là sự vô giá của văn chương.
Quán xuyến trong toàn bộ 38 tản văn nhỏ là hơi thở của quê hương, tiếng vọng của quá khứ, là sân ga nơi cha mẹ anh chờ nhau đợi nhau, là dọc bờ đê có những bông hoa bồ công anh bay lên, là Hà Nội… Và đặc biệt sông Hồng cùng Hà Nội trong tản văn của Lê Minh đã trở thành một thứ một thứ tín ngưỡng. Thứ tin ngưỡng của một người con yêu đất mẹ như những cánh hóa bồ công anh kia yêu gió trời.
Tôi luôn có cảm giác người viết ra những dòng cảm xúc ấy, những bản tình ca ấy chỉ là một cậu bé bị thời gian bỏ quên. Tại sao ư? Dù viết về góc phố, hàng cây, hoàng hôn hay bóng đêm Lê Minh đều đặt bút bằng sự hiền lành, bằng sự thật thà tử tế đến độ tôi thấy “tội nghiệp”. Và vì thế Sông Hồng hát như một tổ hợp của những tình ca ước nguyện.
Trung thực mà nói để đào sâu vào những chiều viết thì “ông nhà văn” kia đôi lúc chữ nghĩa cũng phải “mánh khóe” một tí, “phường xã” một tí “ngang tàng” một tí. Nhưng cách của Lê Minh là cách đưa người đọc vào một chốn nương náu tin tưởng nhất, bình an nhất. Đọc mà chẳng bao giờ phải thắc thỏm dù đó là những kỷ niệm buồn bã tái tê. “Tôi luôn muốn mình được tìm về với vị quê xưa, ấy là những lúc mệt mỏi hay buồn phiền…cũng có đôi khi ngay cả những lúc tôi đang vui vẻ hay hạnh phúc cũng vậy. Vị quê xưa luôn khiến tôi thấy được sự dễ chịu…thư thái trong tâm hồn, như được tựa lòng mình vào đó để mà cảm nhận lại được sự ấm áp, sự gần gũi, cảm nhận được cả yêu thương ấy của một thời đã xa…” – Hương vị quê xưa.
Đề tài mà Lê Minh viết không phong phú. Nhưng Lê Minh lại biết cách làm phong phú chính mình. Âý là dường như tất cả những tản văn anh viết kiểu gì nó cũng có căn cớ, gốc rễ từ Hà Nội. Nói chán nói chê rồi rồi Hà Nội lại hiện hữu, một Hà Nội vốn đã hoài tưởng khi lưu trú trong văn anh lại thêm trầm mặc kiệm lời. Và dường như khi tất cả mọi thứ kiệm lời thì lúc ấy Sông Hồng hát lại phù hợp hơn bao giờ hết:
[quote style=”default” cite=”Sông Hồng hát”]Khi hạt phù sa bật khóc, là lúc con vừa rời lòng mẹ. Hoe đỏ như bùn non, nhuốm phù sa sông Hồng. Từ đáy sông, con mang trong mình cuộn trào, những khát khao và cả những ngọt ngào của dòng sông đang hát…[/quote]
Từ Hà Nội tình yêu đến Cảm xúc mùa đông rồi ngay cả khi viết về Trường Sa viết về cuộc chia tay của cha mẹ Nơi hai đầu nỗi nhớ kể cả khi Có những mùa thu chín thì Hà Nội cứ rưng rưng, miên man như Tình yêu của hắn.
38 tản văn trong tập là 38 tản văn đã được đăng tải rải rác trên nhiều báo và tạp chí. Bạn đọc yêu mến văn chương nói chung và tản văn nói riêng hẳn cũng đã biết ít nhiều về Lê Minh. . Một số tác phẩm của anh được trích giảng và đưa vào làm tài liệu thi cử bộ môn văn học ở một số nhà trường.
Từ góc độ một độc giả tôi cho rằng “Sông Hồng hát” là bản tình ca tràn đầy dư vị châu thổ mà một người con xa xứ gửi về tặng quê hương, người thân và bằng hữu. Điều đó đẹp biết bao!
Hãy hát cùng Lê Minh trong những bộn bề cảm xúc! Nếu tản văn là một món ngon trong bữa tiệc văn chương thì Sông Hồng Hát là một thức uống nồng nàn. Tôi hi vọng khi đã đọc đến những dòng này chắc hẳn bạn sẽ đọc đến những dòng cuối cùng của cuốn sách.
Tin hay không vẫn phụ thuộc vào sự tự do của bạn!
Hồ Huy

Check out our other content