Khi những khóm hoa dã quỳ bung cánh mỏng vàng ươm khoe sắc, phố núi mênh mang trong nắng vàng hanh hanh rét lạnh cũng có nghĩa là Tết đã sắp về. Nhìn bọn trẻ con háo hức xếp ngay ngắn từng tờ lịch đếm ngày đợi Tết, tôi cũng nôn nao nhớ về những mùa xuân đã trôi qua trong đời mình.

Nhà tôi ở trong một bản người H Mông từ đầu đến cuối bản có tất cả hơn trăm nóc nhà lụp xụp, thấp lè tè bám quanh sườn núi. Ở ngay đầu bản, mẹ tôi mở một quán tạp hóa nhỏ, thu mua nông sản của dân bản địa để bán cho thương lái còn cha quanh năm xa nhà. Tôi hạnh phúc hơn đám trẻ con ở đất này bởi có đứa còn không biết mặt cha, đứa khác cha đi tù, mẹ tái giá, lay lắt sống cùng ông bà nội còn chưa nói sõi tiếng phổ thông, cuộc sống vô cùng khốn khó.

Tôi thích mùa xuân, bởi mùa xuân có lẽ là mùa mà bản tôi đẹp và trù phú nhất, không có những vạt đá tai mèo lởm chởm mà có hoa mơ nở trắng đường. Ở đất này không hợp để trồng mận, cũng không có hoa ban như vùng cao, nhưng nhà nào cũng trồng một cây mơ trước ngõ, xuân đến, những cánh mơ nhỏ bé mỏng tang e ấp trong sương mờ buổi sớm, chồi non lộc biếc non xanh mỡ màng. Điều tôi háo hức nhất mỗi dịp Tết đến là việc được xem người H Mông chơi hội. Từ mồng 5 trở đi, bản làng mở hội bằng tiếng khèn, người đàn ông trung niên đầu đội mũ nồi, mặc áo đen cài cúc, miệng thổi khèn, chân không ngừng nhảy múa, ông đi lên, đi xuống, lại đi thành vòng tròn, tiếng khèn không vì việc di chuyển của đôi chân mà bị ngắt quãng, ngược lại còn trầm bổng và du dương hơn. Bên cạnh ông, có đến năm sáu người mặc váy hoa, xòe ô sặc sỡ múa theo điệu khèn, chân đều nhau không sai lấy một nhịp.

Khi tiếng khèn vừa dứt, tôi lại lăng xăng chạy sang nhóm nam thanh nữ tú ném pao, từng quả pao xanh đỏ tím vàng theo tay của những chàng trai cô gái bay nhảy nhịp nhàng, cô gái bắt pao không được, quả pao lộn nhào rồi rơi xuống đất, tôi hay nghĩ đến câu anh trai mình đọc trong đợt ôn thi cuối cấp, khóe mắt cay cay.

Anh ném pao
Em không bắt
Em không yêu
Quả pao rơi rồi

Tôi thích mùa xuân, nhưng cũng đôi ba lần chua chát tự hỏi “ Không biết bao giờ, tôi mới có mùa xuân thực sự trong gia đình của mình”. Mặc dù từ nhỏ, anh em tôi có cuộc sống khá sung túc, Tết của chúng tôi đủ đầy no ấm, bánh chưng kẹo mứt quần áo mới không thiếu thứ gì. Nhưng tôi lại thèm ăn bánh dày giã bọc lá chuối của bác hàng xóm, bác trai rửa cối đá, bác gái đồ xôi bằng gạo nếp nương, anh con trai phụ lau lá còn 3 cô con gái nhỏ ngồi ngoài hiên chơi bán đồ hàng. Tấm bánh dày bác trai giã xong nhạt và nguội ngắt nhưng tôi vẫn cảm thấy hương vị của nó thật ngọt ngào và ấm nóng. Không phải như một đứa con nhà giàu chán đồ ăn ngon mà thèm cơm rau cơm mắm, có lẽ cái tôi thật sự thèm cho đến sau này mới vỡ lẽ là hai tiếng gia đình được gói trọn trong tấm bánh quê mùa nhưng thấm đẫm tình yêu thương ấy.

Càng lớn, tôi càng cảm thấy cha mẹ tôi có gì đó không hợp, ngày còn ở nhà, cha hay uống rượu, có đêm cha ngồi khề khà đến khuya và có ý nhìn mẹ thăm dò nhưng mẹ tôi tuyệt nhiên không hề nói gì cả, cha nói nhiều khi thấy tóc anh trai tôi từ đen chuyển thành hoe hoe màu khói, cha mắng anh khi nghe ai đó nói anh tập tành uống rượu và đua xe, tiếng cha dường như bất lực hơn khi cha cứ nói còn mẹ mặc nhiên im lặng. Ngày còn nhỏ, tôi cứ ngỡ mình có một gia đình thật sự hạnh phúc vì có đủ mẹ cha, mẹ lại hiền, không bao giờ mắng mỏ khi anh em tôi làm sai hoặc lơ đãng chuyện học hành, cha mẹ tôi cũng không bao giờ cãi vã như người khác. Nhưng càng lớn tôi càng hiểu, sự im lặng đã giết chết mầm sống yêu thương trong gia đình, hình như mẹ không có tình yêu đối với cha, sống với cha, mẹ dường như vô cảm và đối với chúng tôi cũng vậy. Mẹ biết anh đua xe nhưng không bao giờ mắng, biết tôi yêu đương khi mới vào học cấp 3, mẹ cũng không hề có ý cấm cản. Bạn tôi suốt ngày than thở bị cha mẹ quản, còn tôi chỉ ao ước được mẹ quản như bạn dù chỉ một vài lần.

Cha lấy việc đi xa nhà làm lẽ sống, bôn ba kiếm tiền gửi về nuôi anh em tôi ăn học, chúng tôi càng lớn, cha càng ít về nhà, kể cả khi năm hết Tết sang. Anh em tôi cũng dần chấp nhận quen với việc đó cũng giống như việc chấp nhận sự thật rằng gia đình chúng tôi không hề yên ấm như cái vẻ bề ngoài cha mẹ tôi tạo dựng. Đã có những ngày tôi cảm giác mình không hề cảm nhận được yêu thương từ mẹ, cũng bất lực tự hỏi mẹ sống với cha vì điều gì? Hay có lẽ mẹ không yêu cha nên cũng không thể nào đặt tình yêu thương vào những đứa trẻ con cha là chúng tôi?

Anh tôi 23 tuổi, phạm phải sai lầm trả giá đắt nhất cuộc đời. Trong một vụ va chạm giao thông và sảy ra xô xát, anh đã xuống tay với đối phương. Hai nhát dao oan nghiệt đâm vào thân thể người kia tổn hại hơn 60 phần trăm sức khỏe đánh đổi bằng 7 năm anh bị giam cầm sau song sắt.

Hôm anh gây ra chuyện, cha vội vã trở về trong đêm, mắt cha đỏ ngầu vì sương gió, tấm áo bạc phếch bụi bặm đường xa, cha cũng chẳng kịp nói với mẹ con tôi lời nào, ngược xuôi hết lo thủ tục pháp lý lại đến việc cầu xin sự dung thứ của gia đình bị hại. Không biết mẹ nhìn cha phờ phạc hay rung cảm vì điều gì mà giữa tòa, cha mẹ tôi ôm nhau khóc.
Thời gian đó, cha thường xuyên mất ngủ, đôi mắt trũng sâu, người gầy rộc hẳn. Có khi nửa đêm, cha âm thầm ra trước hiên châm thuốc hút, đốm lửa tàn nhập nhòe sau ô cửa chập chờn như bóng ma trơi. Nửa đêm gió núi mang sương sắt se lạnh, tôi rùng mình tỉnh giấc thấy mẹ nhẹ nhàng đi đến khoác áo lên vai cha. Cha mẹ tôi lặng yên ngồi bên nhau nhìn bầu trời đêm đen thẳm cao vợi cho đến sáng.

Tết năm đầu tiên anh tôi đi thụ án, cha mang về một gốc đào Mường Khương, chú Minh bạn cha bảo đào miền Bắc mang về Tây Nguyên làm sao mà sống, có sống được cũng đâu thể cho hoa. Mẹ lặng nhìn cha rồi len lén quay đi, chú Minh khuyên cha nên đem trồng trong chậu, dù đào không cho hoa thì uốn làm cảnh, chơi gốc cũng đẹp. Cha không nghe chú Minh, cha đào một hố rộng ngay góc sân, trộn tro bếp cùng với trấu rồi đem gốc đào trồng ra đất. Cha muốn cây đào đâm chồi bén rễ, rễ đào không bị gò bó trong chậu mà có thể tự do thoải mái vươn xa. Về sau, cha cũng không đi xa nhà nữa mà về ở hẳn, đều đặn mỗi tháng một lần, cha chở mẹ đi thăm anh.

28 Tết, mẹ gói ghém đồ khô, cha xay thịt làm ruốc bông, mẹ hỏi cha áng chừng chỗ này được 5 cân chưa ( vì trại giam giới hạn đồ tiếp tế tối đa 5 cân) cha nhẹ nhàng bảo “ Để gói thêm chút vừng lạc”.

Trại giam Đăk Tân nằm biệt lập trong khu đồn điền bạt ngàn cao su cùng với mía. 10 giờ sáng, chúng tôi ngồi trong khu nhà chờ, cái loa mắc trên cao phát nhạc xuân tưng bừng rộn rã. Nhạc xuân vừa dứt, tiếng hát trầm ấm của ca sĩ Hồ Quang Hiếu cất khúc ca “ Con xin sám hối” vang lên, tôi cảm giác tim mình bị đè nặng, nghẹn thật nghẹn. Mẹ và cha chốc chốc lại dáo dác quay tìm anh trong đám phạm nhân đi cạo mủ cao su và chặt mía trở về. Tôi nhìn thấy anh trong bộ đồ trắng sọc đen, miệng cười tươi đưa tay vẫy chào gia đình, tôi và mẹ không kìm được mà bật khóc, cha cứng rắn hơn ôm vai mẹ an ủi “ Đừng khóc, để con nó yên lòng” Tôi nghẹn ngào nuốt ngược tiếng nấc vào trong, bao lâu nay sống bên anh, tại sao tôi không thể nào nhận ra anh trai mình cũng có nụ cười tươi và ấm áp thế, anh tôi lớn thật, chững chạc thật rồi.

Anh đi qua chúng tôi trở về phòng tắm giặt, thay bộ đồ mới rồi được hai chú công an dẫn ra. Chúng tôi ngồi bên ngoài, anh ngồi sau tấm lưới. Tóc anh được cắt ngắn gọn gàng, móng tay cắt tỉa sạch sẽ, anh nhìn cha mẹ cùng tôi, ánh mắt rạng ngời ấm áp. Chúng tôi đoàn viên trọn vẹn với nhau trong cảnh trái ngang như thế, có hạnh phúc nhưng không thiếu cả những nỗi chua xót đắng cay. Cha mẹ tôi động viên anh yên tâm cải tạo thật tốt, cả nhà đợi anh về, còn anh nói với chúng tôi một câu khiến cha mẹ tôi chết lặng “ Gia đình mình như vậy là con hạnh phúc lắm rồi, con sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án”. Tôi nhìn sâu vào mắt mẹ, có thương yêu, có đau xót, có tiếc nuối, có không cam lòng, tất cả vỡ ra thành những giọt nước mắt dài thật dài trên má. Tôi âm thầm tự hỏi, mùa xuân của gia đình tôi đã có từ bao giờ? Hay có lâu rồi, chỉ là chúng tôi vô tâm bỏ lỡ?

29 Tết, cha chở mẹ đi chợ hoa, cha chọn một chậu vạn thọ vàng ươm, mẹ mua thêm mấy chiếc đèn lồng đỏ để cha treo trước nhà. Tôi đứng giữa sân nhà mình, cảm thấy ấm áp lan ra khắp lồng ngực. Mùa xuân đã đến gần thật gần, cúc vạn thọ vàng ươm khoe mình trong nắng, gốc đào đâm chồi nảy lộc xanh tươi, từ kẽ lá đâm ra những chùm hoa chúm chím, phơn phớt hồng. Tôi đã nghĩ Tết này chú Minh đến chơi, tôi nhất định sẽ nói với chú rằng “ đào Mường Khương mang về Tây Nguyên, chăm sóc tốt vẫn có thể nở hoa chú Minh ạ!”

Nguyễn Hồng