T uần trước về quê, mở tủ lấy chăn, chiếc áo mưa cũ màu cỏ úa rơi xuống, vắt ngang chân tôi như một cơn mưa ký ức. Chiếc áo đã bạc màu, có một đường chỉ màu dài khâu phía sau, nhắc nhớ tôi về tình yêu thương và sự bao dung vô bờ của mẹ.

Ngày tôi chưa lên năm, bố tôi đã rời bỏ mẹ con tôi ra đi mãi mãi. Và từ ấy, mẹ tôi vừa làm mẹ, vừa làm cha, gánh vác mọi công việc gia đình. Để có tiền trang trải cho tôi học hành, ngoài mấy sào ruộng cấy lúa và trồng rau, tối mẹ còn tranh thủ đi bán cá ngoài chợ.

     Mùa mưa quê tôi năm nào cũng kéo dài. Những ngày mưa, con đường đất đỏ đến trường của tôi trở nên trơn trượt, lầy lội. Sợ tôi đi học bị ngã lấm lem bùn đất, ướt sách vở, hàng ngày, mẹ chở tôi đến trường trên chiếc xe đạp phượng hoàng cũ. Trước khi đi, mẹ cẩn thận khoác chiếc áo mưa màu cỏ úa, phủ kín cả tôi ngồi phía sau. Cô bé tôi còm nhom, nép sát vào lưng, hai tay vòng ôm lấy mẹ.

     Từ trong áo mưa, tôi nhòm xuống từng vòng bánh xe chầm chậm lăn. Hai bên đường, cỏ dại rạp mình trong gió, nhuộm màu đất đỏ. Vòng bánh xe xoay đều, để lại những vệt hằn sâu trên đất. Tôi nghe rõ tiếng xe lộc cộc vì khô dầu hòa lẫn tiếng mưa rơi lộp bộp trên áo. Lúc ấy, tôi chỉ ước gì mẹ có cánh như những siêu nhân, để cả hai mẹ con tôi bay qua con đường đất đỏ bùn lầy một cách nhanh chóng.

     Cả chặng đường bị gió lạnh thốc vào mặt, nhưng trong lòng tôi lại ấm áp lạ thường. Mùi mồ hôi của mẹ, lẫn trong nhựa áo mưa, hăng hăng như mùi gió từ ruộng về, quấn quýt không tan, trở thành mùi hương mà tôi chẳng thể nào quên.

     Mùa mưa kéo dài cũng khiến mỗi buổi tối đi chợ của mẹ càng vất vả hơn. Ăn vội bữa cơm, mẹ đạp xe thật nhanh kịp lên phiên chợ huyện. Dù mẹ dặn học xong đi ngủ sớm, nhưng hôm nào tôi cũng đợi, ngóng mẹ về. Và khi nhìn thấy mẹ mặc chiếc áo mưa loang lổ những vết bùn, dắt xe vào cổng, bước chân lấm đất đỏ, chiếc nón cũ che nửa khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi và nước mưa, tôi reo lên thích thú.

Tôi nhanh nhảu đón chiếc áo mưa, giúp mẹ treo lên bên hiên nhà. Chiếc áo đã bạc màu theo năm tháng, như chính đôi tay chai sần của mẹ đã bạc đi vì cuộc đời. Đằng sau áo mưa còn có một vết rách dài do có lần tôi ngồi sau xuống không để ý bị cuốn vào bánh xe. Không muốn bỏ phí, mẹ cẩn thận xỏ kim, khéo léo vá chỗ rách để sử dụng tiếp.

     Chiếc áo mưa cũ ấy còn gắn liền với một kỷ niệm mà mỗi lần nhớ lại, lòng tôi lại dâng lên một cảm giác nghẹn ngào. Đêm đó như mọi ngày, mẹ đạp xe đi chợ bán cá. Mẹ đi chưa lâu thì tôi bỗng thấy trời đổ mưa lớn, kèm sấm sét ầm ào. Nhìn ra ngoài đường trời tối thui, tôi ngồi co ro trong nhà lo lắng, không biết mẹ sẽ về lúc nào cho đến khi ngủ thiếp đi trên ghế. Muộn lắm, nghe tiếng lạch xạch ngoài cổng, đoán mẹ đã về, tôi bừng tỉnh, chạy ào ra.

     Nhưng rồi tôi ngạc nhiên nhìn thấy cả người mẹ ướt sũng, chiếc áo mưa quen thuộc không còn trên vai. Hỏi mẹ tại sao không mặc áo mưa, tôi nhận lại ánh mắt và nụ cười dịu dàng của mẹ: “Mẹ cho bà cụ bán rau ở chợ mượn rồi. Bà ấy già yếu, mưa thế này cảm lạnh chắc ốm mất”.
Lời mẹ nói giản dị, nhưng như một giọt nước mát, chảy vào tâm hồn tôi, lan tỏa thành bài học lớn lao về tình yêu thương và sự sẻ chia. Bao năm qua, mỗi lần đối diện với cơn mưa trong cuộc đời, tôi lại bình tâm, nhớ về chiếc áo mưa cũ và lời mẹ dạy:

Đừng ngại nhường một chút cho người khác, vì tình yêu thương của chúng ta không bao giờ vơi khi được chia sẻ.

     Năm tháng trôi qua, chiếc áo mưa cũ giờ nằm yên trong góc tủ, không còn che mưa, chắn gió như ngày xưa. Nhưng với tôi, nó luôn mang ký ức của một thời khốn khó và tình yêu thương của mẹ dành cho tôi. Mỗi lần nhìn lại, tôi như thấy dáng mẹ gầy gò dưới mưa, đôi tay vội vã lau nước trên mặt, ánh mắt luôn hướng về phía trước với hy vọng về tương lai. Chiếc áo mưa cũ và mẹ chở che tôi, không chỉ đi qua cơn mưa ngày nhỏ đến trường, mà còn trên nhiều chặng đường về sau, khi tôi gặp phải khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

     Chiếc áo màu cỏ úa với mùi nhựa hòa lẫn mùi mồ hôi mẹ, cùng vết khâu dài phía sau đã sờn, nhưng những điều mẹ dạy vẫn tươi mới như giọt mưa đầu mùa thấm vào tôi, mát rượi mãi về sau…

Mai Linh Lan