19 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 30, 2024

Ngọt ngào hương cải

Bây giờ là mùa mùa đông. Tại...

Những mùa Đông nồng đượm

     “Bây giờ tháng mấy rồi...

Khúc giao mùa lặng lẽ

Buổi sáng thức dậy mở cánh cửa...

Lời bình cho Hương ngâu lưu lạc

Lời BìnhLời bình cho Hương ngâu lưu lạc
Đọc Hương ngâu lưu lạc của Hoàng Gia Điền, tôi cứ nghĩ về sự tích hợp thể loại. Vốn dĩ, tản văn là thể loại có khả năng dung nạp tính chất của nhiều thể loại khác như thơ, truyện, tuỳ bút…Tất nhiên không phải là sự lắp ghép, pha trộn tuỳ tiện.
Người viết tản cao tay luôn làm cho chất tự sự của truyện, chất phiêu lãng ngẫu hứng của tuỳ bút, chất trữ tình của thơ và cả những suy tư chiêm nghiệm của lối văn nghị luận, phê bình hoà quyện một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên trong từng câu chữ của một bài tản. Vì thế, tản vẫn là tản, là thế giới tâm hồn sâu kín với những rung động mong manh tinh tế của người viết trước một khoảnh khắc vỡ oà nào đó của xúc cảm, để tạo thành dòng chảy đứt nối mà miên man của suy tư, hoài niệm. Như cách Hoàng Gia Điền dẫn lối người đọc vào thế giới của Hương ngâu lưu lạc:
[su_quote]Đêm chợt trở lạnh. Gió thoảng nhẹ khẽ khàng đến. Tôi mở cửa sổ, một mùi hương theo gió tràn vào làm cho căn phòng nhỏ như rộng ra, như tan loãng trong mùi hương dịu dàng ấy. Hương của hoa ngâu. Hương của mùa thu đã về thật rồi sao?[/su_quote]
Bất chợt, bình dị mà lay thức giác quan, Hương ngâu lưu lạc đã bắt đầu từ một không gian, thời gian cụ thể như thế rồi dẫn dụ người đọc đi qua bao hồi ức và những kỉ niệm buồn vui, ngọt ngào và êm đềm suốt một đời người. Mùi hương ấy không chỉ được cảm nhận bằng khứu giác mà bằng cả những rung động sâu thẳm của tâm hồn, một tâm hồn từng trải, đủ để đúc kết, chiêm nghiệm những ấn tượng khó phai thành triết lí giản đơn mà sâu sắc:
[su_quote]Âm thanh còn có thể quên lãng… Hình ảnh còn có thể nhoè mờ. Còn mùi hương thường ẩn sâu thấm đẫm vào từng kỉ niệm… Hương ngâu là như thế.[/su_quote]
Từ một cây ngâu lưu lạc bị bỏ quên nơi ban công “khuất lấp trong chồng chất mưu sinh đời thường” suốt hai mươi năm, mùi hương dịu dàng chợt hiện trong một đêm trở gió đã đưa tác giả về với mảnh vườn xưa của ông bà ngoại, nơi có bụi ngâu cạnh bể nước mà “mỗi độ thu về hoa ngâu nở mùi hương như tràn ngập một cái gì đó dịu dàng không diễn tả được”. Mùi hương đó không tan loãng trong không gian mà quyện trong những chén trà bà ướp, thành mùi của cuộc sống bình dị an lành. Vẫn mùi hương ấy đánh thức kỉ niệm nhớ thương về một người mẹ ngày nào cũng gom hoa ngâu ướp chè dành cho người con trai trở về từ mặt trận, đến khi bà theo hương ngâu tan về miền mây trắng, còn người con trai mãi không về được để uống chè ướp hoa ngâu của mẹ. Trong nẻo về kí ức ấy, Hoàng Gia Điền nhận ra, hương ngâu vẫn hiện hữu trong sự tưởng nhớ lặng thầm của người còn sống dành cho người đã khuất:
[su_quote]Trên cái bàn thờ gỗ mộc xưa tôi vẫn thấy một đĩa hoa ngâu, những chùm hoa vàng nhỏ nhoi lẫn với mầu xanh của lá dưới tầm ảnh một người lính còn trẻ tươi tắn, nghiêm nghị.[/su_quote]
Vẫn hương ngâu ấy vắt một nỗi nhớ ngang trời như một cầu vồng, đưa tác giả về một vườn ngâu thênh thang ở vùng Diêm Tiêu, Bình Định với “hương hoa bay phóng khoáng mạnh mẽ”. Ở đó có những cô gái như được ướp trong hương hoa mùa thu, lúc nào cũng kiêu kì mà thoáng chút gần gụi mộc mạc…
Cứ như vậy, Hoàng Gia Điền “lưu lạc” trong chính hương ngâu đầy ắp kỉ niệm yêu thương của mình. Và người đọc chúng ta cũng trở thành những người lưu lạc trong miền nhớ dịu dàng sâu thẳm ấy của anh.
Hương ngâu lưu lạc được viết bằng lối văn nhỏ nhẹ, trầm tĩnh, chậm rãi, lôi cuốn người đọc bằng ấn tượng và cảm giác nhưng lại không hề cầu kì. Lối văn ấy hoà hợp với mùi hương toả lan êm đềm trong nỗi nhớ của tác giả, tạo nên sự ngấm sâu vướng vít của hương hoa và hồn người trong thế giới thuộc về hồi ức, kỉ niệm. Chất tự sự, chất thơ, chất trữ tình, chất triết lí, trí tuệ cùng hoà quyện trong Hương ngâu lưu lạc của Hoàng Gia Điền làm sống dậy mùi hương thân quen, bình dị mà thiết tha, xao xác lòng người.
Đằng sau mùi hương lưu lạc ấy là tấm lòng trân quý, nâng niu cái đẹp, là ý thức gin giữ những giá trị văn hoá truyền thống, là tâm hồn tinh tế giàu rung động trước con người và cuộc sống, cả những lo âu thảng thốt bất an trước những lãng quên hay xáo động bất thường của đời người.
[su_quote]Có vẻ như không phải cây ngâu ấy lưu lạc, hương hoa ấy lưu lạc mà chính tôi đã lưu lạc trong thế giới này. Xa quá rồi, tôi có tìm về được không?[/su_quote]

 

PODCAST

Check out our other content

Most Popular Articles