Sáng xuân tinh khôi, tôi mơ màng tỉnh dậy sau ngày mồng một Tết nhiều dư vị. Thở phào một hơi thật nhẹ nhõm để hít cái hương khí trong lành của mùa xuân ở quê. Bờ miệng vẫn phả ra cái hương men của rượu nếp thơm lừng. Con đường từ quốc lộ rẽ vào nhà tôi vắng lặng, thỉnh thoảng nghe thấy tiếng của đứa trẻ khóc dỗi ngoài triền sông, hình như nó dỗi mẹ vì mấy cái lí do chắc thật đáng yêu ngày Tết. Tôi bước ra cửa, mắt đăm đăm đắm nhìn cánh đồng đã gieo mạ từ ba bốn tuần trước. Những mầm lúa xanh trắng vì cái rét của mấy ngày cuối năm đâm thẳng để tắm tưới cái nắng ấm của ngày đầu xuân.
Nắng chiếu lên vườn rau nhà tôi, vườn rau nhỏ trước căn nhà ngập tràn hoa lá. Những bông hoa cà tím ngắt đang độ kết quả, những chùm choa cà chua vàng nót run rẩy mừng nắng, những gốc bưởi Phúc Trạch dáng nhỏ nhắn đang bung nở những chùm hoa đầu tiên trắng khiết. Luống khoai lang mẹ trồng từ tháng mười một âm lịch giờ đang lên tua tủa, những ngọn rau xanh non đua nhau vượt lên. Luống hành ta lá từng sợi dài rải trên luống, cả khóm gừng lá xanh pha màu vàng vọt. Bên hàng rào mấy bông hoa me chua hồng tím mát lạnh xinh xắn khoe sắc. Hàng cau thẳng dáng lá rung rinh trong gió xuân thật tình…Cả cây mít thái mà ông ngoại tôi trồng cho từ mấy năm trước, những lộc non đang tí tách, mấy quả non tròn tròn dài dài đang xõa lớp phấn trắng mỏng như bụi cám gạo vừa xay. Đúng vậy, mùa xuân là mùa của thiên nhiên, của hoa cỏ rạo rực, của sự tươi mới, của nhựa sống căng tràn miên man, của sự thanh thản những ngày đầu năm thật nguyên nghĩa, nó chẳng còn vướng bận bởi những muộn phiền, những ẩn ức cũ lắc để sau mấy ngày mồng, khi xuân đang chín mọng nhưng Tết đã tàn người ta lại rong ruổi ngược xuôi bắt đầu những ngày dài mưu sinh kiếm sống.
Tôi bước lặng vào căn nhà, mùi hương trầm thắp lên bàn thờ mấy ngày Tết đương còn ngào ngạt. Nhìn di ảnh của cha tôi sau nải chuối ngự tròn múp và quả bưởi chiếu hai chín tôi ngắt ngoài vườn để làm mâm ngũ quả cúng Tết lòng nghẹn ngào những niềm thương nhớ. Những nén hương đang cháy, tàn hương cứ cuộn thành vòm tròn, thỉnh thoảng đứt gãy rồi đốn bụi bay xuống cửa nhà. Tết có nghĩa là trở về, nghĩa là được tự mình thắp cho người cha xưa những nét hương thành kín từ cuối tháng Chạp đến hết mấy ngày mồng. Tôi không ôm đồm những định nghĩa thật rộng về Tết, tôi ôm nỗi niềm của đứa con xa quê mỗi năm về thắp hương cha một lần ngày Tết để nhìn Tết, và thấy Tết hết khi những tro vàng ở bàn thờ cha tôi ngày mồng một đã hun khói ở cái lò hóa vàng ngoài vườn.
Càng về trưa, nắng càng nặng màu, những tia nắng đầu năm chiếu rọi vào căn nhà tôi qua khung cửa sổ bắng gỗ đã mục ẩm. Nhìn bầu trời qua hiên cửa, xa xa chân núi Hồng Lĩnh chín mươi chín ngọn, ở ngọn đẹp nhất mà Chùa Hương Tích đặt mình, mây xám đã vờn đỉnh. Người dân quê tôi có cái tài dự báo thời tiết, hễ nhìn mây Ngàn Hống vờn đỉnh là e như rằng ngày kia sẽ có mưa. Mưa thế chắc hạt sẽ không thể trĩu nặng, chứ Thiên trời đâu nhẽ nào lại nặng nề với mùa xuân. Mùa của tình tứ, như cách mà Xuân Diệu ví von “Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần”. Âý thế mà mưa cũng phải thật tình, mưa lất ngất, mưa lác đác, mưa như bụi trắng điểm tô cho trời xuân nồng nàn, tráng men cho lòng người ngây ngất…Mưa quê mùa cuối tháng Chạp mân mê tôi cùng cái rét tê tái. Những đầu năm như thế này tôi lại đợi những giọi mưa xuân say nồng.
Mồng hai Tết cũng thật giản đơn, tôi cũng chẳng còn thấy cái bận rộn rất Tết của những ngày cuối năm. Mọi thứ cứ bằng lặng trôi qua. Tôi chẳng hề kết vội đó là sự nhạt nhẽo của ngày Tết. “Món Tết đang bày ngoài sân, chỉ người chưa về. Hỏi một ông già đang trở chuối khô, chắc con cháu đông nên món Tết đầy giàn phơi. Ông nhìn theo khói thuốc phà ra từ mũi mình, nói tụi nó mấy Tết nay không về đủ, nghe đâu làm mấy ngày đó sẽ được trả lương gấp đôi gấp ba. Nhưng đầu chạp thì vợ chồng ông chuẩn bị món này món nọ, tụi nhỏ không về thì đóng thùng xe đò đi. Cách nào thì Tết cũng đến với những người ở xa, những người vì mưu sinh đã không còn thiết gì đến Tết” (Nguyễn Ngọc Tư).
…Tôi nghe tiếng mẹ gọi từ trên sông vẳng vào nhà. Mẹ tôi lững thững trong cái dáng vẻ mệt mỏi đi về giữa cái trưa mùa xuân nắng ấm đến khó chịu. Tôi nghẹt mũi, giọng cũng khản đặc đi chào mẹ lấy một tiếng rồi tiếp tục tỷ mẫn. Chiếc xe đạp mini của Hàn mà ngày trước tôi gắn bó mấy năm cấp ba, bấy giờ mẹ vẫn gìn giữ và dung nó đề đi làm. Cái mũ cối dân quân đã rơi cái biểu tượng, mẹ tôi vẫn đội tạm để tránh cảm nắng. Nhìn dáng hình ấy của mẹ mà khóe mắt của tôi âm ấm rồi rưng rưng. Cả một năm, cả một thời, cả một đời mẹ không biết thế nào là mệt mỏi, mẹ không biết thế nào là sự thảnh thơi, an nhàn đúng nghĩa. Cả mấy ngày Tết, mẹ không hề lo sắm cho mình một bộ quần áo mới thật đẹp, mẹ cũng chẳng kêu ca rồi so sánh thiệt hơn, người này, kẻ khác. Mẹ âm thầm cả mấy ngày Tết, cả khúc Ba mươi, rồi mấy ngày mồng đầu năm…
Mẹ ở quê, mẹ không đi làm xa như mấy đứa con trong văn cảnh trên của cô Tư, mẹ cũng muốn nghỉ ngơi ngày Tết để dành thời gian cho con cái. Nhưng lòng mẹ không nói mà tôi cũng rõ, có lẽ “làm mấy ngày đó sẽ được trả lương gấp đôi gấp ba”…
Tết vẫn vậy, đâu phải đi xa, thậm chí trên chính quê nhà của mình, nhiều người đã không còn thiết gì đến Tết. Tết đến, Tết tàn, Tết tan trong cái nỗi niềm mưu sinh chưa bao giờ vơi cạn. Tết vì thể có phải chăng đang nhạt dần trong con mắt của họ? Không, bằng một cách này hay cách khác Tết vẫn còn vẹn nguyên. Chí ít, tôi vẫn cảm được niềm vui của mẹ đêm tôi trên bến xe trở về nhà, trong đêm giao thừa mẹ tôi cùng tôi thắp những nén hương trầm thơm ngát, trong cái nghi ngút của lửa khói ngoài ngã ba đường, tôi cùng mẹ và mấy người thân quen trong ngõ xóm ngồi tâm tình cùng nhau, để chờ đón giao thừa, thỉnh thoảng lại hí hửng với mấy tiếng pháo nổ trước thềm năm mới còn lác đác. Tôi vẫn cảm nhận sâu nhất cái lắng đọng của mùa tết năm nay là đây. Mồng một Tết phai, mồng hai Tết tàn, mồng ba Tết tan…
Trong cái gầy rạc của dáng mẹ đầu năm, trong lời tâm tình trưa nay mẹ thủ thỉ lúc làm về khi mẹ xòe tay nhẩm đếm mấy cái đám giỗ, mấy cái đám cưới: “Thế thôi, cũng vừa đủ lo cho mấy cái đám, và mấy cái khoản vụn vặt ở quê…” tôi ngộ ra nhiều điều. Mùa xuân đúng là mùa của hò hẹn, mùa của đoàn viên, nhưng rồi dẫu ra sao thì nỗi niềm cơm áo, gạo tiền cũng chẳng bao giờ nguôi ngoai trong mắt mẹ, trong tấc lòng của mấy người cùng lối xóm ở quê tôi, cả mấy người bạn thân, đang phiêu bạt, làm thuê ở nước ngoài.
Dọc bờ sông, mấy ngọn cờ Tổ quốc phơi phới, mấy nhà bên cạnh tiếng cười đùa xôn xao, thằng Phúc con ông Chính tung tăng cầm trên tay bao lì xì, xúng xính sang khoe tôi, tôi mời nó vào nhà, cắt quả cam sành mọng nước mời nó, vội vào nhà bốc thêm chút mứt. Thêm một chiều Tết nữa sắp qua đi, tôi và nó cùng nhẩn nha miếng mứt gừng bày bố ở khay bánh kẹo đặt ở bàn uống nước ngoài nhà. Vị mứt gừng ngọt ngào mà cay cay đến lạ…
Hoàng Việt