21 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024

Mắm dưa cà mặn mà tình mẹ

Những năm tháng tuổi thơ của tôi...

Bánh rán gấc

Phiên chợ quê - cái chấm nhỏ...

Ngọt ngào hương cải

Bây giờ là mùa mùa đông. Tại...

Tôi kể chuyện làng

Giới Thiệu SáchTôi kể chuyện làng

Theo quá trình phát triển của xã hội, những ngôi làng quê trên khắp miền đất Việt đã dần thay da đổi thịt. Cuộc sống thuở xưa ở những làng quê cũng dần dần mai một theo thời gian.

Những con người áo nâu gắn bó với ruộng đồng sông nước rồi cũng lần lượt về với thế giới bên kia mang theo bên mình những miền quê lam lũ với cuộc sống vất chất thiếu thốn nhưng lại thừa tình người, tình quê. Những người còn lại của một thời xa xưa ấy giờ hầu hết đã thất thập cổ lai hy, trí nhớ có khi không còn đủ minh mẫn để kể lại cho lớp hậu bối nghe về những câu chuyện làng xưa. Bao lớp người hoài cổ cứ đau đáu nhớ về những làng quê, những câu chuyện quê, nơi một thời đã từng sinh ra và lớn lên cùng nó.
Chỉ cần ai đó gợi mở một chút gì trong trang sách, câu chuyện kể là con tim họ lại được thổn thức, hoài niệm về một thời đã qua. Và chúng ta lại may mắn bắt gặp cái không gian làng Việt ở đồng bằng bắc bộ cách đây hơn nửa thế kỷ qua 357 trang sách TÔI KỂ CHUYỆN LÀNG của nhà văn Lê Hữu Tỉnh.
Tôi là con người thích lưu giữ bao hoài niệm dẫu phần lớn đời mình đã phố hóa ít nhiều. Khi thấy tựa sách, tôi có nhã ý muốn mua nên nhắn tin cho tác giả. Thật bất ngờ tiến sĩ Lê Hữu Tỉnh nguyên là giảng viên ngôn ngữ trường ĐHSP Hà Nội 1, ĐHSP Hà Nội 2 và phó tổng biên tập nhà xuất bản giáo dục Việt Nam cũng là thành viên của trang Tản Văn Hay, người mà vẫn thường đọc những gì tôi viết nên câu chuyện giữa tôi và thầy là những người bạn văn đồng cảm. Hôm nhận được sách thầy gởi tặng, tôi đọc liền một hơi vì bao ký ức về một làng quê bắc bộ được thầy kể lại bằng chất giọng mộc mạc nhưng cực kỳ lôi cuốn.
Ngôi làng của tác giả điển hình cho một làng quê bắc bộ với đầy đủ đời sống nông nghiệp, làng nghề, ẩm thực, tâm linh… Đọc TÔI KỂ CHUYỆN LÀNG, ta như được sống lại một thời gian khó của xã hội Việt Nam nhưng quá đỗi ngọt ngào qua giọng văn bình dị, chân chất như ông bà kể chuyện cho cháu nghe hàng đêm. Ta không thể ngờ được một người đã gởi phần lớn cuộc sống của mình nơi phồn hoa đô hội và đã bước vào tuổi xưa nay hiếm lại nhớ vanh vách và chi tiết cuộc sống ở làng quê một thuở như vậy.
Những cái tên của những khu vườn, thửa ruộng, ao chuôm, đồng bãi, những người hàng xóm thân thương như bác Nhiếp, cụ Dư, bà Thạch, ông Cẩm… được tác giả nhắc đến trong tác phẩm của mình làm độc giả phải bất ngờ vì một trí nhớ quá tốt về những tiểu tiết. Thế mới biết làng và những câu chuyện làng cứ mãi đeo bám và ngự trị trong ký ức của một con người sinh ra từ làng dù có bôn ba nơi xứ nào đi nữa.
Các bạn trẻ bây giờ chắc chắn sẽ được đắm chìm vào không gian của một ngôi làng Việt bắc bộ với ao làng, bể nước, cây đa, với những người mẹ tảo tần hôm sớm, với những người cha cuốc cày và với cả những thú vui một thời… mà có lẽ các bạn không thể hình dung ra nếu không nghe thầy Lê Hữu Tỉnh kể chuyện.
Với 357 trang sách ngồn ngộn chữ, tác giả đã cho độc giả một chuyến phiêu lưu kỳ thú về quá khứ, về với ngôi làng của ký ức với bao câu chuyện mộc mạc. Cảm ơn tác giả đã lưu giữ và trải lòng ra bằng những trang sách để cho giới trẻ ngày nay hiểu hơn về một thời mà cha ông ta đã sống, để cho những con người hoài cổ được sống lại với bao ký ức ngọt ngào.

Check out our other content

Most Popular Articles