
T ôi trở về Hà Nội trong những ngày chớm thu đang qua, vạt nắng vàng ruộm lên nét cổ kính vốn có tự bao đời, cơn gió heo may e thẹn thoảng đưa bên dòng người thư thái tập thể dục. Thong dong nhẹ bước dạo quanh Hồ Gươm rồi lặng yên trên hàng ghế ngắm nhìn Thủ đô buổi sớm mai, để chợt nhận ra một Hà Nội vừa lạ vừa quen khi vào thu, miền ký ức thanh xuân trong tôi lại dìu dặt nương nhau kéo về.
Ai một lần đến Hà Nội vào ngày thu trong vắt đều neo lại trong mình một ký ức đẹp tươi, không ồn ào, chẳng vội vã nhưng luôn khiến mỗi lữ khách đều khắc khoải nhớ nhung. Mỗi người con nơi mảnh đất nghìn năm văn hiến này luôn có những cách riêng để yêu thu Hà Nội. Xa xa, dưới hàng cây cổ thụ hai ông bà tay trong tay đang lim dim tận hưởng vạt nắng dịu nhẹ trong tiết trời mát lạnh thu sang.
Ẩn hiện nơi góc phố cổ là hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ đang rọi đèn cặm cụi sắp xếp chồng báo in để kịp giao báo sáng. Vang vọng đâu đây là tiếng sáo du dương của chàng thanh niên giao thoa cùng tiếng đàn vĩ cầm của cô gái trong bộ đầm trắng ngân lên cùng lăn tăn sóng nước mặt hồ về những giai điệu mùa thu Hà Nội, càng điểm tô thêm nét chấm phá bức tranh thu đẹp đến nao lòng cho những ai đến thủ đô vào những ngày này.
Cảnh sắc thu Hà Nội đã khơi dậy mạch nguồn cảm xúc cho biết bao văn nghệ sĩ kết tinh, lắng đọng thành những tác phẩm làm xao xuyến bao thế hệ để thêm yêu, thêm nhớ thương và muốn quay trở về với vòng tay yêu mến của Thủ đô. Cuộc sống hiện đại đang từng ngày len lỏi ghé thăm từng tuyến phố, nhưng vẫn còn đó nét cổ kính tự bao đời đã bồi đắp nên văn hóa của người Tràng An.
Có người say đắm bên những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi với những gánh hàng hoa theo mùa. Có người phải lòng bởi giọng nói thanh lịch nhẹ nhàng mà ấm áp. Có người lại cảm thấy thú vị, nhẩn nha với thức quà “hương quê trong phố”. Còn tôi lại đắm chìm với những biển hiệu quảng cáo, cổ kính, đơn sơ mà trầm mặc từng tuyến phố cổ.
Mỗi lần ghé thăm Hà Nội đương vào thu, tôi luôn cố gắng lưu giữ trong mình những cảm xúc chân thật, hình ảnh đa góc cạnh về những tấm biển quảng cáo phủ đầy rêu phong, phai màu nhưng ghi dấu nhiều kỷ niệm đối với không chỉ người Hà Nội gốc, người Hà Nội nhập cư mà ngay với cả những du khách chỉ một lần ghé thăm nơi này.
Lang thang từng con phố cổ, những tấm biển quảng cáo, biển hiệu được đắp bằng xi măng, nước vôi ngả màu từ thời xa xưa luôn được chủ nhà lưu giữ nguyên vẹn nhất. Đó có thể là thương hiệu được gây dựng qua bao đời cha truyền con nối, đó có thể là tên dòng họ gia tộc và đôi khi tấm biển hiệu chỉ là tên của vùng quê để gia chủ thương nhớ về. Nhưng dù là với mục đích gì thì những tấm biển đó cũng như con người mang trong mình sứ mệnh, hơi thở và tình yêu. Biển hiệu chứng kiến bao vật đổi sao dời, bao hỉ nộ ái ố, bao thăng trầm lịch sử, vẫn hiên ngang bất khuất nào đâu chịu khuất phục dưới bom đạn kẻ thù, là trầm tích của phố phường, là chứng nhân thời gian của người Hà Nội.

Nhâm nhi ly trà nóng trong căn nhà nơi con ngõ nhỏ của phố cổ. Tôi được cụ ông năm nay đã ngoài 90 tuổi chia sẻ về những câu chuyện, giai thoại về tấm biển hiệu xưa. Dù ký ức đã xa xưa nhưng dưới nếp da hằn sâu những bôn ba năm tháng, ánh mắt đã đục mờ, nét mặt ông luôn ánh lên niềm tự hào, khí phách của bậc cha ông từng trường kỳ kháng chiến, quyết chí bảo vệ nền hòa bình cho Thủ đô, cho dân tộc.
Ngược dòng thời gian, theo dòng lịch sử, trở về những năm cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp xâm chiếm Hà Nội đã xây dựng trường học, các khu chợ quanh tuyến phố để kinh doanh buôn bán. Kéo theo đó là những tấm biển hiệu được xuất hiện nhưng bằng tiếng Pháp đánh dấu sự thay đổi lớn về thương mại, sản xuất tại đây. Có những tấm biển hiện nay bằng tiếng Pháp nhưng ta luôn thấy những tấm biển hiệu bằng chữ quốc ngữ. Điều này lột tả cho ta thấy lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người Việt. Dù có sống trong nền văn hóa cai trị, kiểm soát của thực dân thì vẫn luôn ánh lên niềm tin, nghĩa khí, ý chí máu đỏ da vàng bằng cách này hoặc bằng cách khác.

Năm tháng qua đi, cùng với dòng chảy thời gian, những tấm biển quảng cáo đã phai màu, hư hỏng. Nhưng những hộ gia đình kinh doanh buôn bán tại các tuyến phố qua nhiều đời luôn cố gắng tôn tạo các biển hiệu để giữ lại nét cổ kính nguyên bản nhất. Bởi có lẽ, với nhiều thực khách, đặc biệt là với người Tràng An sành ăn luôn có khẩu vị thưởng thức tuyệt vời thì chính những tấm biển hiệu phai màu, trầm mặc đó là dấu ấn cho thói quen, cho thương hiệu, điểm tô thêm vị ngon của mỗi món ăn, thức uống như: phở Thìn, Café Giảng… Ta thương những tấm biển hiệu xưa cũ là thương cho chứng nhân thời gian nơi trái tim của đất nước, thương cho thăng trầm để xây dựng bao điều tốt đẹp nơi Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Hương thu vẫn lặng thầm phảng phất quanh hương cốm non đầu vụ, hương sữa thơm nồng nàn trong làn gió heo may mỏng tang nhưng ngập tràn ký ức. Hà Nội đâu chỉ có 36 phố phường, đâu chỉ có những danh lam thắng cảnh, đâu chỉ có cốt cách thanh lịch dịu dàng mà thanh tao của người Tràng An trong trời thu thêu dệt để ta bồi hồi nhớ, thao thiết thương. Đôi khi ta phải lòng bởi những giá trị văn hóa đơn sơ mà giản dị, nhẹ nhàng mà trầm tích – những tấm biển quảng cáo xưa mang linh hồn của một Hà Nội cổ kính trong nhịp sống hiện đại. Hà Nội có những kỷ niệm không phai làm trái tim ta trở nên non trẻ thổn thức mỗi khi trở về, để rồi giật mình ngẩn ngơ…
Tặng Vũ