Trong chiều ngang thị trấn nhỏ là màu xám xịt của mưa, là cái dầm dề của tiếng rì rào không ngớt, là cái lạnh lẽo của những bánh xe vụt qua, vội vã và lo âu.
Tết đã hết mà trời còn ướt át, như mắt người nhoè nỗi tạm xa. Mai đào ai chưng còn bung nở mà nhuốm màu ủ dột, bởi tiếng cười đã vơi bớt còn đâu! Nhớ cách đây vài hôm, người vào kẻ ra, tôi cười chị hát; tiếng rộn rã chào nhau năm mới, chúc nhau những lời hoa mỹ; những cái nắm tay thật chặt, những ánh mắt nhìn âu yếm, trao cả tình xuân. Vậy mà giờ người mang hết niềm vui ấy gói trong hành lý, nhất quyết lên đường!
Những chuyến xe qua chở nặng, nào mắt mẹ đượm buồn, nào tay cha run rẩy, tiếng thút thít em thơ và cả những lời hứa hẹn. Những chuyến xe qua ướt đẫm mưa rơi, như dùng dằng níu kéo, nửa phần quyết tâm, nửa phần trốn chạy. Bàn tay mẹ vội vã gói ghém chút dưa cà kiệu muối, mấy cặp bánh chưng, miệng không ngớt xuýt xoa, “mang vào trong đó mời bạn bè cùng ăn, gọi lá chút lộc quê nhà.” Bọn em nhỏ ủ ê vì không được xúng xính cùng chị cùng anh vui chơi xóm trên làng dưới, cứ nằn nì ở lại vài bữa nữa cho vui. Sáng sớm đã thấy ba khệ nệ thùng nhỏ, thùng to những gà những vịt mà đêm qua ba thức trắng làm thịt để con mang vào, đỡ mua thức ăn được ngày nào hay ngày đó.
Những thùng thức ăn đã nặng mà đâu nặng bằng tình cha nghĩa mẹ, đâu nặng bằng tấm lòng con trẻ, sợ lên đường rồi, khi quay về, nói dại miệng, ai còn ai mất. Những hành lý lỉnh kỉnh, lềnh kềnh mà đâu thể so với những lấn cấn trong tâm. Cha mẹ già từng bước lụm đụm, nào ai chăm chén thuốc khi đông sang; bọn em nhỏ dại khờ lấy ai răn những thú vui lạc lối? Nặng nề như vậy, lấn cấn như vậy, mà cũng chất đầy giọt nước mắt; quẹt tay một cái, lại rồ ga phóng đi.
Những chuyến xe đi như cố xua tan hết nỗi buồn, như sợ niềm vui ngày Tết chưa vào đến nơi sẽ phai nhạt dần. Những chiếc xe máy luồn lách giữa những chiếc xe con, những chiếc xe con vượt lên trước những chiếc xe khách, những chiếc xe khách hoà vào mưa, cứ thế mà đi, cứ thế mà tiến, vội vã, ồn ào mà lặng im.
Người đội mũ bảo hiểm không thể nói chuyện được đã đành, mà người trong ô tô cũng lặng lẽ. Giá như tôi có thể hiểu được, có phải giờ là lúc họ lặng im để nhớ lại tiếng giòn tan ngày Tết, để hít hà mùi nhang trầm từ ban thờ gia tiên còn vương trên áo hay để suy nghĩ về những kế hoạch, những lo toan bộn bề còn đợi họ ở phía trước. Cũng có thể họ đang căng tất cả các giác quan để đảm bảo những chuyến xe được đi đến nơi về đến chốn. Những trắc trở trong cuộc đời luôn hiện hữu nhưng không phải khi nào người ta cũng nhận ra.
Thương làm sao những cánh chim phiêu bạt, đôi cánh dài bay hoài cũng mỏi, phải đợi cuối đông mới trở về lại cánh đồng xưa! Bát cơm vừa nâng lên miệng, giọt mồ hôi mặn chát đã giành chỗ, len vào trong bờ môi, lại không thể nuốt trôi vì nghẹn ngào những nhớ nhung và mệt mỏi. Có đứa con nào muốn rời cha xa mẹ nếu không phải vì miếng cơm manh áo? Có mấy ai nỡ rời bỏ dòng sông nhỏ bờ tre xanh để lăn lộn giữa ồn ào của nhà máy, của tạp âm nơi phố thị? Chiếc áo mới, đôi giày da mang về dịp Tết là những đêm dài giữ xe nơi quán nhậu sau ca chiều còn ướt đẫm mồ hôi. Chiếc áo len tặng mẹ, cái khăn hồng tặng em là tiền tiết kiệm từ những chuyến ship hàng rong ruổi khắp ngõ ngách của phố phường.
Những chuyến xe ơi, cứ đi đi, đi cho chân cứng đá mềm, đi để những ước mơ thành hiện thực, đi để mùa xuân lại về, được nắm bàn tay nhăn nheo của mẹ, ôm bờ vai gầy của cha! Dừng chân bên lề đường nhường chỗ cho những chuyến xe qua, tôi nghèn nghẹn nỗi thương cảm cho dòng người lầm lũi, quyết chọn cho mình cuộc sống nơi đất khách xa quê. Bất giác, tôi buột miệng: “ Mưa ơi! Xin đừng rơi nữa!”
Nhật Lượng