Thêm một tác phẩm dự thi của Tản Văn Hay đăng tải trên Tạp chí Người Hầ Nội điện tử không có gì khiến chúng ta ngạc nhiên. Thêm một người Hà Nội viết về Hà Nội như Lê Minh lại chẳng có điều gì khiến chúng ta phải sửng sốt.
Nhưng Hà Nội thương một đời, đâu phải… tạm thương – tác phẩm mà Lê Minh dự cuộc thi viết Hà Nội và tôi lần này khiến cho Hồ Huy ngỡ ngàng.
Ngỡ ngàng vì không phải trong sự khó vô cùng ở việc chọn đề tài, Lê Minh đã khá tinh tế và khôn ngoan khi nhắm vào 1 đề tài ngách tương đối đặc biệt, lại phát triển được từ một câu nói nghe có vẻ rất thường mà bản thân nó đã chứa đựng bao lớp, bao vỉa, bao tầng của lịch sử, của con người, của văn hóa Hà Nội. Có thể gọi đó là nhân cách Hà Nội được chăng?
Ngỡ ngàng cũng không phải bởi chỉ cần lấy 1 chữ “Thương” mà ông nhà văn này cứ mặc cảm xúc, mặc hồi tưởng nương theo nó dựa theo nó mà dắt người đọc lòng vòng trong 1 chữ “Thương” có chiều sâu thăm thẳm.
Vậy có điều gì ngỡ ngàng hơn thế? Nếu bạn từng theo dõi Lê Minh, từng đọc Lê Minh, các bạn sẽ thấy Lê Minh cũng khá cầu kỳ, uốn nắn chữ nghĩa, sao cho nó phải đẹp, phải lãng mạn, phải tạo ra được không gian và thời gian dẫn dụ, chiều chuộng những rung cảm con người. Thành thử ở một số tác phẩm của Lê Minh rơi vào một vài cấu trúc lặp, ví dụ như: trước khi đi vào vấn đề cụ thể thì kiểu gì cũng phải có chút nắng ngả vào cái này cái kia, hoặc là 1 chút gió… thế này thế kia… và có thể là chiếc lá xoay thế này quay thế kia…
Rõ ràng đây là 1 cấu trúc đẹp nếu chúng ta làm chủ cũng như linh hoạt ngôn từ. Tuy vậy những cấu trúc này lại bó buộc, kìm hãm sự phát triển mang tính diễn tiến và hệ thống của tác giả.
Khi đọc Hà Nội thương một đời, đâu phải… tạm thương chúng ta thấy Lê Minh vốn mộc mạc chân tình giờ lại càng chân tình mộc mạc hơn khi anh đã chuyển nhượng nhiều phân vùng nhóm ngôn từ có nhiệm vụ tả, đo đếm, phông nền sang thành quyền sử dụng của những phản xạ tâm hồn, nhận thức của cái tôi được diễn giải trong những cách đặt mình vào bối cảnh, đặt mình vào nhân vật, đặt mình vào lịch sử. Cứ đi mãi trong con ngõ Tạm Thương cùng Lê Minh, rồi không biết tự lúc nào bạn nhận ra chữ “Tạm” kia, chữ “Thương” kia thật quá đỗi nhỏ bé nhưng cứ quả quyết nó thật vĩ đại cũng nào ai phản đối?Mọi sự thay đổi là cần thiết, mà nếu phải chọn cách so sánh giải thích nào đó để chúng ta dễ hình dung, Hồ Huy cho rằng quá trình giản tiện hóa ngôn ngữ , tinh hoa hóa ngôn từ trong tản văn cũng từa tựa như các phương pháp cổ điển của võ thuật: ban đầu là nền tảng sức khỏe, từ đó mà phát triển tới hết bộ pháp này bộ quyền kia nhưng cuối cùng các chiêu thức ưu tú nhất, hoàn hảo nhất lại nằm ở ý chứ không ở quyền.[quote style=”default”]Lịch sử tiến hóa, loài người tiến hóa, không có lý do gì sáng tạo không tiến hóa, mà văn chương hay tản văn cũng không nằm ngoài sự sáng tạo.[/quote]
Thực ra viết một thông báo về một tác phẩm dự thi vừa được báo chí công chúng không cần thiết phải dài dòng quá vậy. Chỉ là nhân phát hiện ra những điều thay đổi của Lê Minh mà Hồ Huy muốn chia sẻ tới quý anh chị và các bạn quan điểm cá nhân của mình, cũng là nguyện vọng và lập trường trước sau như một: xây dựng TVH trở thành 1 cộng đồng với những cách vận động của một diễn đàn mà ở đó mọi thành viên đều bình đẳng khen chê, bình đẳng học hỏi, bình đẳng chia sẻ.
Nếu một ngày, các bạn nhận ra Tản Văn Hay hoặc bất kỳ một hội nhóm nào khác chỉ thấy tung hoa và ca tụng nhau thì tức là ta chẳng còn điều chi để học ở đây nữa, những hữu ích của nó đều là giả dối hoặc lầm tưởng.
Chúng ta đang nói về điều gì nhỉ? Người Hà Nội viết về Hà Nội? Cùng chúc mừng quản trị viên Lê Minh và luôn chờ đón thêm những tản văn hay ở cuộc thi này! Hà Nội thương một đời, đâu phải… tạm thương? Điều ấy cũng chẳng có gì mà phải sửng sốt!
TVH GROUP 20/12/2022