Vậy là cứ đủ ba trăm sáu mươi lăm ngày thì coi như đã tròn vạnh một năm theo lịch vạn niên, và một năm tròn vạnh ấy được ví như là một bà mẹ hiền thục đã hạ sinh ra được bốn cô con gái tuyệt đẹp là Xuân, Hạ, Thu, Đông. Rồi bốn nàng với bốn nét đẹp đặc thù và riêng rẽ của từng mùa ứng với nắng, mưa và nồm, lạnh theo thay đổi của đất trời cùng với vần xoay vũ trụ.

Mặc dù đều là những cô gái xinh đẹp và cùng một mẹ sinh ra đấy, nhưng nàng Hạ lại tỏ ra đỏng đảnh chợt nắng chợt mưa, với tính khí thất thường khi nóng lại khi gió khó lường bởi những sắc hoa rực lửa đặc trưng là phượng hồng và gạo đỏ. Trong khi đó thì nàng Thu thoạt nhìn cứ ngỡ là nhu mì hiền thục bởi sương trắng nắng vàng cùng với bầu trời và tiết trời xanh thẳm. Nàng thay áo mới mà nhẹ nhàng trước những lá vàng rơi vờn trong gió heo may khẽ khàng rồi nằm trải dài và phủ đầy lên những thảm cỏ xanh tươi mướt mắt, những khi ấy nàng Thu đã khiến những người yêu thiên nhiên cây cỏ phải ngắm nhìn mà mê mẩn đến nao lòng.

Ấy vậy mà thoắt cái lại sấm chớp rồi mưa giông và bão gió làm ầm ĩ rồi bít bùng tất cả không gian trời đất. Riêng nàng Đông lại khác hẳn với hai người chị của nàng, với vẻ bề ngoài tỏ ra lạnh lùng và ít nói đến bí hiểm, nàng có một nét đẹp phong trần riêng biệt khiến người ta luôn luôn phải khoác lên người những lớp áo dày rồi xuýt xoa khen ngợi vẻ đẹp hiu hiu của nàng trong gió bắc. Còn đối với Xuân, nét đẹp của nàng gần như đã được đất trời hội tụ tất cả những nét đẹp của cả ba nàng kia cộng lại, với ánh nắng vàng nhạt rồi có khi có cả mưa bay trong làn gió nhẹ để nhạn chao, én lượn cùng tiếng chim ca hót líu lo, trong khi đó nàng xuân vẫn không thiếu đi một chút rét ngọt dịu dàng và thơ mộng. Riêng hương sắc của Xuân thì không ai có thể sánh kịp bởi ngàn hoa rực rỡ trên khắp thân thể giữa đất trời đầy cỏ cây xanh tươi và thảo thơm trái ngọt. Người ta yêu nàng Xuân bởi không những nàng đẹp, mà gắn liền với nàng là cả một sự kiện đáng nhớ trong những ngày đoàn viên của người thân cùng con cháu bên ông bà, cha mẹ để đón xuân rồi ăn tết nguyên đán cổ truyền.

Xuân làm người già rạng rỡ thêm, cảm thấy như trẻ lại vì được vui cùng con cháu. Xuân làm con trẻ sẽ vô cùng phấn khởi, sẽ là háo hức đêm bên lửa hồng chờ bánh rùa bánh cóc, tất nhiên là các bé sẽ càng cảm thấy vui hơn trong những tà áo đẹp rồi khấp khởi đón đợi năm mới để nhận những phong bao lì xì mừng tuổi từ người lớn, và lại được tẹt đùng cùng quả pháo tôm pháo tép rộn ràng xuân.

Chắc chắn từ trong sâu thẳm của tâm khảm mỗi người dân Việt chúng ta, hẳn sẽ luôn canh cánh bên lòng về xuân. Bởi xuân là điểm nhấn của sự đoàn viên trăm họ, sẽ là bánh chưng xanh, là giò chả, là dưa hành với rượu nồng cùng cơm canh câu đối nhang khói dâng lên tổ tiên, rồi cùng rạng rỡ nói cười thừa lộc và chúc tụng nhau vui khỏe, hạnh phúc, con cháu đầy đàn bên bàn ăn ấm cúng đầu năm. Riêng tôi, là một người con đã bao năm xa quê và lập nghiệp nơi xứ sở đất khách quê người phương Nam, tuy đặc thù của khí hậu nơi này khác hẳn so với tiết xuân mạn ngoài quê tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi sao nhãng khi mỗi độ mai nở và xuân về tết đến, mặc dù phải bươn chải với cơm áo, gạo tiền nơi đất nơi đất khách, nhưng năm nào tôi cũng chừa ra một khoảng thời gian nhất định của những ngày cuối năm để bó giò, để gói và nấu bánh ăn tết.

Minh họa: Bùi Tiến Tuấn

Trong thâm tâm tôi vẫn tâm niệm một điều, tết cổ truyền là cứ phải tự tay gói và nấu bánh chưng, rồi sắng những món ăn đặc trưng cần thiết cho những ngày ăn tết đón xuân, vì như vậy sẽ ngon lành và không khí Tết hẳn vui hơn, thi vị hơn để con cháu quanh tôi sẽ háo hức rồi yêu xuân quê hương hơn.

Tuy xuân vẫn là xuân chung, và tết nguyên đán sẽ là tết của trăm họ của người Việt. Tất cả mọi người hẳn vẫn chung một niềm vui háo hức đón năm mới, nhưng đối với tôi về miền ký ức Tết xưa vẫn luôn sống mãi. Nhớ ngày ấy người dân miền quê nói chung và quê tôi nói riêng còn nghèo lắm, nghèo nhưng mà vui lắm. Vì những ngày giáp Tết lại văng vẳng bên tai cái âm thanh của mọi người cứ xôn xao rủ nhau chung lợn để thịt (đánh đụng), vậy là tuy ít nhưng lòng mề chân cẳng cũng như nạc mỡ thủ vĩ đủ cả.

Tôi không hiểu người lớn vui bụng đến cỡ nào, còn tôi và bọn trẻ con của những gia đình chung lợn thịt thì vui vô kể, chúng tôi vây quanh phản thịt mà chẳng giám xin sỏ gì nhiều, chỉ tranh nhau năn nỉ người lớn để được người lớn cho cái đuôi, cái bong bóng hoặc miếng gan đã luộc. Thế rồi trong niềm vui khôn tả, bọn trẻ chúng tôi sau khi chia nhau ăn chút đuôi, chút bong bóng và gan luộc xong thì tụm lại cùng mẹ rửa lá, còn bố tôi bắt đầu lột lạt rồi giã giò và gói giò rồi gói bánh. Chúng tôi bắt đầu chờ đợi bố gói cho mỗi đứa một chiếc bánh cóc (bánh rùa) từ chút gạo, chút đậu thịt sót lại nơi đáy thúng đáy thau, kế đến là buổi tối bọn trẻ chúng tôi xúm lại trực nồi luộc giò, luộc bánh. Cái háo hức chờ đợi được vớt bánh cóc trước bánh chưng để ăn sao mà nôn nao và vui đến thế cơ chứ.

Mãi rồi thì bọn trẻ chúng tôi cũng được người lớn vớt bánh cóc trước để ăn, phải nói rằng miếng bánh cóc ngày ấy nó ngon đến độ sau này tôi ăn bất cứ một loại bánh nào cũng không sao sánh nổi vị ngon của nó. Cuối cùng thì cơn buồn ngủ con trẻ cũng ập tới, bọn trẻ chúng tôi cứ mặc nguyên những bộ quần áo mới như vậy mà ngủ để đợi giao thừa. Còn một chút buồn cười mà hầu như lũ trẻ xưa của bọn tôi đều gặp, ấy là trước đấy bọn tôi được bố mẹ cho một chút tiền nhỏ lẻ để mua pháo. Có nhiều nhặn gì đâu, chỉ vỏn vẹn mua được mươi mười lăm hoặc hai ba chục quả pháo tôm pháo tép là cùng. Chúng tôi đốt dần đốt mòn cho đến chín mười giờ của ngày ba mươi tết chỉ còn lại mươi mười lăm quả gì đó, nhưng sợ bị mất trộm nên cứ bỏ túi quần rồi thọc tay vào giữ khư khư để ngủ. Khốn khổ thay cho những trẻ đái dầm, sáng ra quần áo mới để diện Tết khai mù thì chẳng nói làm gì, mà chỉ tiếc đứt ruột vì hơn chục quả pháo đã bị ướt sũng vì nước đái dầm của chúng tôi. Nói gì nói cũng muộn rồi, giao thừa đã đến rồi, những đứa trẻ đái dầm chỉ còn biết đứng đó mà xem những đứa trẻ khác đốt pháo.

Cái âm thanh tẹt đùng còn văng vẳng bên tai tôi cho mãi đến bây giờ. Bởi bọn trẻ ngày ấy chúng tôi lại bắt đầu hồi hộp chờ đợi, chờ đợi được người lớn lì xì mừng tuổi đầu năm, tất cả tiền lì xì nhiều ít đều đợi cho trời sáng lại lao ra quán tạp hóa. Chúng tôi lao ra không phải để mua bánh và mua kẹo ăn, mà lao ra để dùng tiền mừng tuổi mua pháo tiếp, rồi lại khoe nhau đứa nhiều đứa ít, đứa pháo tôm nổ lớn hơn, to hơn pháo tép của những đứa ít tiền hoặc tiếc tiền bỏ ống bỏ heo đất nên cố kìm lòng mà mua ít lại, mua pháo nhỏ hơn. Rồi giờ đây trong tôi, trong tâm hồn của người đàn ông trung niên của tôi vẫn luôn khắc khoải nhớ đến tết quê nhà, nhớ những cái Tết con trẻ của chúng tôi xưa. Dù chẳng ai hỏi nhưng qua nỗi nhớ tôi vẫn gọi thầm trong tôi cái tên nàng Xuân, tôi gọi tết hoài niệm của tuổi thơ tôi là nàng Xuân.
Nàng Xuân ơi! Nàng đẹp mãi trong tôi.

 

Phạm Khang