Bầu trời đêm 30 Tết tối đen như mực. Vài ánh đèn đường le lói ở góc phố. Đêm đã khuya nhưng vẫn còn vài ngôi nhà mở cửa sáng đèn thức chờ đón phút giao mùa của đất trời. Đường phố vắng lặng, thưa thớt bóng người.
Trong cái không gian yên ắng ấy, chợt vang lên tiếng trẻ con reo vui. Từ ban công nhìn xuống con đường phía trước nhà, tôi thấy có mấy chú bé đang vừa hò hét rối rít vừa lăng xăng chạy về hướng pháo hoa đang tỏa sáng của ngôi nhà nào đó nôn nóng đón giao thừa sớm. Khi chúng chưa đến nơi thì chợt ở một góc phố phía ngược lại có một tràng pháo hoa bắn lên trời rực rỡ, các chú bé lại tíu tít gọi nhau chạy về hướng mới. Khung cảnh ấy vừa ngộ nghĩnh vừa dễ thương làm sao!
Hình ảnh lũ trẻ con nhí nhảnh, hồn nhiên chạy theo tiếng pháo trong đêm giao thừa chợt làm tôi bồi hồi, xao động. Từ trong sâu thẳm, ký ức những đêm thức khuya náo nức đón giao thừa thời thơ bé ùa về…
Ngày ấy, quê nhà còn chiến tranh, ly loạn. Cuộc sống phải luôn đối mặt với nhiều gian nan, vất vả nhưng mọi người vẫn vui mừng khi đón ngày Tết cổ truyền. Nhà nào cũng đầy đủ bánh tét, bánh in. Nhà nào cũng sắm gốc mai chưng Tết, mua chậu cúc vàng rực rỡ đặt trước hiên nhà. Người lớn náo nức í ới gọi nhau chung đậu chia heo; trẻ con nôn nao ngồi bên ngọn lửa hồng ấm áp canh nồi bánh tét, bánh chưng chờ phút giao thừa.
Ngày ấy, điểm nhấn của mùa Xuân có lẽ là tiếng pháo nổ. Tiếng pháo bắt đầu râm ran từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về Trời; rồi rộn ràng hơn trong những ngày Tất niên. Nhưng phải đợi đến đúng thời khắc Giao Thừa, tiếng pháo mới dồng loạt nổ giòn giã khắp trời quê.
Cuộc sống còn gian khổ, nhưng nhà nào đến cuối năm âm lịch cũng đều chắt chiu tiện tặn mua cho được một phong pháo đón Tết. Tiếng pháo như xua tan những tối tăm, u ám; tống tiễn những bất an năm cũ. Tiếng pháo reo vui như niềm mong ước cầu nguyện may mắn luôn đến mọi nhà trong năm mới.
Và trong thời khắc thiêng liêng chuyển đổi cũ – mới của đất trời ấy, âm thanh của tiếng pháo mới rộn ràng lòng người làm sao! Tiếng nổ lẹt đẹt khiêm tốn của pháo tép, pháo diêm; tiếng nổ giòn giã nhưng hiền lành của pháo dây, pháo chuột; rồi thi thoảng lại giật mình bởi tiểng nổ đì đùng đanh gọn của pháo đại, pháo cối… Tất cả chen lẫn vào nhau như một bản hòa ca đón Chúa Xuân về, xua tan bao muộn phiền ở vùng quê ngày ấy đang chìm trong lửa đạn chiến tranh. Tiếng pháo gieo niềm hy vọng thanh khiết cho khát khao mong ước hòa bình sớm về trên quê hương. Với trẻ con, tiếng pháo ấy luôn chiếm một góc khó quên trong ký ức Tết tuổi thơ; nhất là những giây phút lang thang đi xem phảo nổ giữa đêm giao thừa.
Ngày ấy, thời chiến nên ban đêm nhà nào cũng cửa đóng then cài, kể cả ngày Tết. Người lớn quây quần bên bếp ấm râm ran câu chuyện chờ phút giao thừa. Còn bọn trẻ con xóm Chợ chúng tôi, trong đêm 30 thường cùng thức khuya với cả nhà; nhưng đến sát giờ giao thừa, khi tiếng pháo bắt đầu râm ran đây đó là bọn tôi lén người lớn chuồn ra ngoài đường, hú gọi nhau tụ tập năm, bảy đứa ở sân trước ngôi chợ quê.
Rồi trong sự náo nức, hồi hộp chờ đợi đó, khi nghe nhà nào đốt dây pháo nổ là chúng tôi hò hét gọi nhau chạy đến xem. Pháo nổ đì đùng, ánh lửa pháo chớp nháy vui mắt, xác pháo màu hồng văng tung tóe khắp nơi. Chúng tôi vây quanh, chờ đến lúc dây pháo nổ gần hết, những đứa dạn dĩ hè nhau xông vào nhặt những viên pháo lép; những đứa đứng ngoài vỗ tay, hò hét cổ vũ…
Xóm nhà hai bên Chợ đông đúc nên có nhiều nhà đốt pháo. Đang chạy hướng này xem pháo chưa xong thì nghe hướng khác có pháo nổ, thế là chúng tôi lại hè nhau lăng xăng chạy về phía ấy. Đến khi đúng giờ Giao Thừa, nhà nào cũng đốt pháo. Pháo nổ vang trời bốn phương, tám hướng; chúng tôi quay cuồng trong niềm vui tưởng chừng bất tận. Chạy xuôi chạy ngược quanh xóm Chợ một lúc thì thấm mệt, chúng tôi đứng hẳn lại thở hào thở hển. Không gian lúc ấy mới kỳ diệu làm sao; cả bầu trời sáng lòa, tiếng pháo vang vang như không bao giờ dứt. Chúng tôi rộn rã tranh nhau nói về dự định trong ba ngày Tết sắp đến; đứa nào cũng hào hứng, sôi nổi…
Lát sau, tiếng pháo dịu lại rồi dứt hẳn. Vài tiếng chuông chùa xa vọng lại những thanh âm cuối cùng. Bầu trời lụi tàn những ánh hồng, trả lại màu đen u ám cho màn đêm. Chúng tôi đứng ngẩn ngơ hồi lâu ở góc chợ, rồi cùng chia tay trong tiếc nuối, vội chạy về nhà. Đó cũng là lúc người lớn cúng giao thừa vừa xong. Luyến tiếc lắm nhưng chúng tôi phải leo lên giường đi ngủ. Giấc ngủ đêm giao thừa ấy của bọn trẻ có nhiều giấc mơ thật đẹp; vì bọn trẻ biết, vào sáng mai, khi thức dậy thì mùa Xuân đã đến trước hiên nhà. Đứa nào cũng được se sua quần áo mới, đi chúc tết, đi lễ hội, được người lớn lì xì mừng tuổi…
Từ năm 1995 trở về sau này, việc đốt pháo nổ đêm giao thừa chỉ còn dành cho pháo hoa. Tiếng pháo nổ ngày xưa dần phai nhạt trong tiềm thức con người. Không tiếng pháo nhưng mùa Xuân mỗi năm vẫn về đúng hẹn. Và hình ảnh những đứa trẻ lang thang tíu tít chạy đi xem đốt pháo đêm giao thừa vẫn sống mãi trong ký ức nhiều thế hệ.
Đêm giao thừa năm nay, tôi may mắn gặp lại mình của thời thơ dại đó, cái thời náo nức chờ Tết đến, náo nức chạy xem pháo nổ đêm giao thừa; rồi lại ngẩn ngơ nuối tiếc khi ba ngày Tết trôi qua. Cảm ơn các cậu bé đã cho tôi có dịp tìm về tuổi thơ cùng những khoảnh khắc đẹp nhất đời người!