Đi qua gần nửa đời người nhưng trái tim tôi vẫn như đứa trẻ, mỗi khi bắt gặp hay lắng nghe đâu đó những câu ca, điệu lý, lời ru văng vẳng là lại bần thần trỗi dâng niềm nhớ thương sâu thẳm nơi miền ký ức mênh mông. Nhớ sao là nhớ giọng bà ngoại ngân lên êm ái với từng lời dạy răn thông qua những câu thơ nôm xưa cũ.
Bà ngoại tôi cũng như bao dáng hình phụ nữ quen thuộc, hiện thân của tầng lớp bần nông chịu thương chịu khó, một lòng chăm lo, quán xuyến cho chồng, cho con tấm áo manh quần lành lặn, những bữa cơm thơm dẻo, – hình ảnh giản dị đến nỗi tôi tin rằng nhắm mắt lại chúng ta vẫn có thể vẽ ra thuần thực sự yêu thương quản đại đó. Nhưng tôi quấn quýt bà ngoài không chỉ vì món ăn bà nấu hấp dẫn dạ dày đứa trẻ hám ăn, như tôi, mà tôi say mê bà bởi bà như một người thầy lớn đã giáo dưỡng tâm hồn tôi suốt thời tấm bé.
Ông bà ngoại tôi có tất thảy sáu người con và hai mươi bốn cháu nội ngoại (gái trai đủ cả). Thế nhưng, từ nhỏ tôi đã được sống cùng ông bà, được chăm bẵm, bao bọc trong vòng tay yêu thương vô bờ bến, vì thương đứa trẻ (là tôi) sớm chịu nhiều thiệt thòi từ lúc lọt lòng, nên mọi nguồn thương đều như muốn bù đắp cho tôi. Và nghiễm nhiên, dù muốn dù không thì danh hiệu “cháu ngoại đích tôn” mặc định đã thuộc về tôi – đứa cháu mà theo lời bà ngoại “nó sinh ra lãnh hết cái đau cái bệnh nhà này” – ngay từ khoảnh khắc bà mụ đỡ đẻ cho mẹ tôi kéo bà ra nói nhỏ, rằng “đứa bé này bị dị tật ở chân, về sau sợ không đi đứng được”. Bà cũng là một người mẹ nên bà đau thấu sâu sắc tin dữ kia. Cái đau quặn thắt của bà không khác gì nỗi đau mà mẹ tôi phải gánh lấy.
Thời gian cứ thinh lặng trôi, tôi thì vẫn không thể bò trườn hay chạy nhảy. Chân tay tôi cong veo, mềm oặt hay quấy khóc mà lại chẳng thể đặt nằm lên nôi, lên võng như bao trẻ nhỏ khác. Tôi nằm và chỉ nằm được ở nơi phẳng lì, nên mỗi buổi trưa bà thường phe phẩy quạt nan rồi ngân nga đọc thơ (là thơ chứ không phải ca dao như bao người và chủ yếu bà đọc thơ nôm, như; Thạch Sanh Lý Thông, Phạm Công Cúc Hoa, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Lưu Bình Dương Lễ…) cho tôi dễ ngủ hơn.
“Ai hay thiên địa xoay vần
Đang bình yên bỗng ầm ầm phong ba
Khéo trêu người hỡi trăng già
Tơ duyên đứt đoạn ai mà nối cho
Thương con mắt mẹ bơ vơ
Thương chồng đơn chiếc ai lo đỡ đần”. Hoặc những câu như:
“Từ ngày mẹ bỏ đi xa
Cha đem dì ghẻ về nhà đến nay
Tưởng là thay mẹ ai hay
Dì bắt bỏ học dì đày chăn trâu
Cho nên chẳng được ở lâu
Cúc Hoa nghe nói lòng đau như dần…” (Trích “Phạm Công Cúc Hoa”).
Tôi quá bé để hiểu hết ý tứ trong những câu thơ mà bà đọc, nhưng những chuyện xưa tích cũ mà bà đọc đã neo giữ hồn tôi thật ngọt ngào. Mặc dù bà ngoại tôi ít chữ nghĩa mà khi đọc lại rất có hồn; đúng vần điệu, đọc như phơi hết gan ruột theo từng nhân vật qua lời thơ suôn mượt. Mà không phải bà đọc một lèo một lần, bà toàn “chơi chiêu”. Mỗi lần thấy tôi hơi biếng ăn là thể nào bà cũng nói “ăn giỏi tối bà đọc tiếp phần hồi trưa cho mà nghe”, thử nghĩ xem một đứa trẻ đang ở tuổi tò mò về thế giới xung quanh nên khi nghe kể chuyện thì vô cùng háo hức. Cứ như thế, tôi như chồi non thấm dần từ việc được tưới tẩm trong các câu thơ ý nhị qua giọng đọc của bà:
“Đàn kêu: Nghe tiếng nên xinh
Đàn kêu tang tịch tình tang tang tình
Đàn kêu: Ai chém Chằn Tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: Ai chém Xà vương
Mang nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: Hỡi Lý Thông mày
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: Sao ở bất nhân
Biết ăn quả lại quên ân người trồng
Đàn kêu: Non nỉ trong lòng
Tiếng ti tiếng trúc đều thì như ru…” (Trích “Thạch Sanh Lý Thông”).
Tôi được ngủ với bà từ bé. Đêm đêm ôm tôi, bà luôn xoa lưng vỗ về nhè nhẹ. Hơi ấm của bà giúp tôi bớt tủi thân về sự khác biệt của mình. Tôi nghiện mùi từ chiếc áo bà ba cũ sờn của bà thay vì mùi của mẹ như bao đứa trẻ khác. Nhờ có bà, tôi chưa bao giờ thấy mặc cảm. Trái lại, tôi luôn thấy mình luôn sở hữu thứ tài sản khổng lồ mà mọi đứa cháu khác phải thèm thuồng, ước ao. Có bà, tôi có cả trời dấu yêu.
Ba mẹ tôi tuy ở chung nhưng phải tất bật đi ra đồng từ tờ mờ sáng, tối mịt mới về đến nhà. Nên đa phần tôi gần gũi duy nhất có bà và kỷ niệm của tôi về bà chắc kể hoài không dứt. Còn nhớ, trong một lần thỏ thẻ chuyện trò, tôi đã bật mí về ước có một cái đài cát-sét để bầu bạn. Thế rồi bà chờ cậu Út tôi về thăm (cậu Út tôi làm việc trên Sài Gòn, kinh tế khá giả), bà liền thẻ thọt xin cậu cái đài cho tôi. Lúc đầu cậu Út gạt ngang nhưng vì không nỡ làm bà buồn nên ít lâu sau, cậu mang về cho tôi chiếc đài bự chảng hiệu Sony màu đen huyền bí, hơn cả mong đợi của tôi. Khỏi phải nói, tôi thích mê đến thế nào. Tôi ôm bà hôn lấy hôn để.
Từ ngày nghe radio, thế giới trong tôi rộn rã sắc màu. Tôi nghe bất kể thời gian và cũng từ dạo đó tôi thường nghe hát ru trên sóng phát thanh thay cho những lời thơ của bà (do sức khỏe bà ngày một yếu đi). Rồi mùa hạ của năm 1994 ở tuổi bảy mươi bảy, bà rời cõi tạm. Trong cơn hấp hối, bà căn dặn đi, dặn lại ông ngoại, ba mẹ và mọi người trong nhà phải yêu thương tôi hơn tất thảy vì tôi là một đứa trẻ chịu quá nhiều thiệt thòi.
Một thời gian sau, ông ngoại tôi cũng qua đời. Ba mẹ tôi cũng cho thuê bớt ruộng rồi chuyển qua chăn nuôi heo, bò. Tôi có một người chị gái (nhà có hai chị em, chị tôi hoàn toàn khỏe mạnh). Đến tuổi lập gia đình và cũng như mẹ, vợ chồng chị Hai sống cùng ba mẹ tôi. Sau một năm ngày cưới, chị Hai sinh đứa con gái đầu lòng – đứa trẻ đó cũng là một phần động lực của tôi. Từ ngày có cháu, tôi bắt chước bà đọc lại những bài thơ cho cháu nghe trong khi đưa võng cho nó ngủ. Thật kì lạ, dù trí nhớ tôi rất mau quên nhưng lạ làm sao lời bà đọc trong những đêm hạ hay mưa giông tôi đều nhớ không phai.
Có lẽ, bà đã âm thầm gieo cho tôi sức mạnh, đế tôi có dịp tiếp nối gieo truyền, gìn giữ một góc tâm hồn dường như suýt bị bỏ quên theo dòng đời cơm áo. Tôi hạnh phúc vì cháu gái tôi lớn lên, nó cũng yêu thích hạt mầm thương được tưới tắm trong những lời ru, như tôi thuở bé.
Én Nhỏ