Trong tiếng gió mơn man của sóng biển, trong tiếng rì rào xô bờ đá giữa loang loáng ánh trăng, tôi bỗng dưng sởn sụa gai ốc một lời ru xa xăm. “Ơ…hớ…ơ ơ ơ… Hoàng Sa trời đất mênh mông. Người đi thì có mà không thấy về…ơ…hớ…ơ ơ ơ”.
Là tiếng bà khóc cháu, là tiếng mẹ ru con, là tiếng chị hời em, là tiếng vợ trẻ bi ai chồng. Lời ru nào là lời ru yêu thương, lời ru nào là lời ru quê hương, lời ru nào là lời ru oán than cho số phận lênh đênh có đi không về? Những đứa con lớn nhanh trên đảo, cất tiếng cười vang từ đầu đảo vọng đến cuối đảo, những mái đầu tóc bồng bềnh chạy lông nhông từ Hang Cau ngược lên đỉnh Thới Lới trong cái nắng vàng khè đảo vắng. Lời mẹ ru ầu ở trong trưa hè mặn vị biển, lời mẹ ngân nga trong đêm sóng vỗ trên mạn thuyền cha. “Ơ…hớ…ơ ơ ơ…Lý Sơn hải đảo xa khơi.
Quanh năm sóng vỗ bên trời bao la…ơ hớ ơ ơ ơ”. Những đứa trẻ hồn nhiên chân trần bãi nọ bờ kia, bàn chân tứa máu vì vết cắt của san hô mà miệng cười tan chảy hàm răng ngọc ngà. Đêm nối đêm, chúng chong đèn cùng cha cùng anh rong ruổi thuyền câu, hát những điệu hát thăm thẳm đêm, diệu vợi đại dương, lẻ loi đời dân đảo. Chúng cứ vô tư đâu biết rằng tối nay theo anh theo cha ra biển buông lưới, ngày mai phải tự mình dong thuyền để anh để cha bước đi trong đội hùng binh bảo vệ Hoàng Sa! Chúng đâu hay, cha chưa về, anh chưa về, chúng vừa kịp lớn thì tên họ đã nghiễm nghê trong danh sách sung quân, mà phía trên là tên cha tên anh, trước đó nữa là tên tổ, tên ông của mình.
Ai bảo sinh làm người dân đảo mà chi? Ai bảo sinh làm người con trai, đôi chân vững như ngọn Thới Lới, đôi tay khỏe như dây chão dây thừng mà chi? “Ơ…hớ…ơ ơ ơ…Hoàng Sa trời nước bốn bề. Đội quân Bắc Hải quyết thề báo ân…ơ hớ ơ ơ….” Không! Không phải thế! Đàn ông đảo không chỉ sống cho mình, cho vợ con, cho gia đình của riêng mình, mà sống để báo đáp ơn vua nợ nước! Con trai đảo lớn lên, không chỉ lớn cho mình, lớn để cầm tay người con gái mình thương, mà cầm giáo cầm gươm, vượt muôn sóng dữ, bảo vệ Hoàng Sa của Tổ quốc!
Hành trang mang theo là những nẹp tre, là tấm chiếu cói, là bó dây mây, là thẻ linh vị đã khắc tên mình. Hỡi ôi! Trăng lấp loáng trên mặt biển, trăng chênh chếch trên đỉnh đầu, và trăng sáng trong lòng người đi. Nào biết đâu, trăng ấy là hóa thân vẻ đẹp của vũ trụ hay bóng ma dẫn lối chơi vơi! Nào biết đâu, sóng vỗ mạn thuyền ì oạp là nước của đại dương hay xác ai va phải mạn thuyền!
“Ơ…hớ…ơ ơ ơ
Một chiếc chiếu dày, một sợi mây
Qua đêm yên giấc trên chiếu này
Lặng biển anh về may bó chiếu
Mộ gió ven đồi, dưới rặng cây
Chiếc chiếu con, treo sợi mây
Từ giã gia đình anh nhổ neo
Vợ con mòn mỏi trên bến vắng
Thuyền xa hun hút mây chiều
Ơ…hớ…ơ ơ ơ”
Người vợ biển đêm nằm thao thức, võng đưa con mà nức nở năm canh. Nửa đêm qua khao thề thế lính, anh bước lên thuyền chẳng kịp ngoảnh quay đầu, để người vợ héo hon tấc dạ, ôm con khờ sõng soài tóc tang.
“Ơ…hớ…ơ ơ ơ
Ngó lên trời trời cao lồng lộng
Ngó ra biển biển rộng thinh thinh
Ngó vô trong dạ buồn tình
Đêm nằm nước mắt nhỏ như bình trà nghiêng.
Đêm nằm nước mắt triền miên
Áo em năm vạt ướt liền cả năm
Ơ…hớ…ơ ơ ơ”
Người vợ biển nhệu nhạo ru con trong muôn vàn rối rắm, vật vã ôm con trong ê ẩm tang thương. Biết ngày chàng đi, thấy rõ bóng chàng đi mà chẳng biết bao giờ chàng về, là hình hài nguyên vẹn hay vọng vào lời ru để tan vào sóng như ảo ảnh loang lổ bóng trăng trên mặt biển kia? Lời ru theo chân bà, chân chị, chân mẹ đi từ bờ biển vô vọng đến chùa Đục chùa Hang. Lời ru ơ hớ ơ ơ ơ nhưng ma như mị quẩn quanh trong làn khói nhang rồi hòa theo tiếng ốc u, cố vượt những con sóng tìm thuyền chồng thuyền con. Những giọt nước mắt khóc chồng thương con lăn dài xuống má, quấn cả lời ru nghẹn ứ nơi cổ họng, trôi vào cát, thấm vào cát, để từng ngày nên hình hài của tỏi, mà cay cay sóng mũi, mà nồng nàn hương đợi hương chờ!
Tôi chầm chậm bước giữa những vườn tỏi xanh rì, xếp nối tiếp nhau lớp lớp lang lang. Tôi ma mị lướt giữa những ngôi mộ có tên có tuổi mà chẳng biết liệu hình hài có được chôn cất ở đây, hay chỉ là cành dâu triệu hồn. Mất mát lớn quá! Hi sinh nhiều quá! Để giữ vẹn hai chữ Hoàng Sa đã phải đánh đổi cả thanh xuân tuổi trẻ của bao chàng trai con đảo. Để bảo toàn hình hài dáng vẻ Việt Nam đã phải hi sinh hạnh phúc riêng của mỗi người đàn ông đảo, làm cạn khô nước mắt của những người bà, người mẹ, người chị, người vợ trên đảo. Bất giác, tôi cảm thấy mình nợ hòn đảo này một ân tình, nợ lời ru trên đảo những biết ơn!
“Ơ…hớ…ơ ơ ơ
Hoàng Sa là của nước ta
Nay người ngoại quốc xâm vào chẳng yên
Con ơi hãy ngủ cho ngoan
Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền, chứ tù và kêu
Ơ…hớ…ơ ơ ơ!”
Nhật Lượng