Nhà giáo Trịnh Thu Tuyết
T
ừ ngày còn trẻ, tôi đã yêu một tứ thơ của Pushkin, và cứ nhớ mãi những lời chàng trai nài xin cô gái đừng như mùa xuân, mùa hè, mùa thu, xin nàng
“Hãy như mùa đông…
Nắng trầm tư…
Vàng rơi từng chiếc lá,
Dù tháng năm gió heo may thổi cả…
Để nắng hiếm hoi thay sắc cõi lòng…”
Ngày ấy, tôi thấy lời chàng trai thật lạ khi muốn cô gái mình yêu hoá thân thành cái buốt giá, u buồn, lạnh lẽo của mùa đông. Tôi đã trải qua cảm giác lạnh buốt của những mùa đông trong căn nhà tranh tuềnh toàng của khu tập thể giáo viên nơi trường bố mẹ tới sơ tán. Cả nhà nằm ngang trên cái giường đôi chật chội, đắp một cái chăn bông ba cân, hẹp như hạnh phúc, bố và mẹ ở hai đầu chăn, và vì không ai chịu kéo chăn về phía mình nên tôi vẫn nhớ cảm giác khi vòng tay ôm mà chạm vào lưng bố hoặc mẹ thì đứa nào cũng rụt phắt tay lại vì hơi lạnh hun hút từ những luồng gió thổi qua khe liếp cửa sổ.
Không biết có phải vì thế mà đêm nào chúng tôi cũng được nghe bố kể chuyện, hơi ấm của sự chật chội và sự hấp dẫn của những câu chuyện chương hồi khiến chị em tôi chìm nhanh vào giấc ngủ, nhiều đêm, còn ngủ trước câu: Muốn biết Khổng Minh sẽ dùng kế sách gì để thắng Chu Du, đợi đêm mai nghe tiếp…
Cảm giác lạnh lẽo khắc nghiệt của mùa đông càng sâu hơn trong kí ức những buổi sáng tới trường. Mưa rét, đường lầy lội nên chúng tôi phải đi đất, mười ngón chân bấm chặt cứng xuống mặt đường trơn mà vẫn trượt ngã bê bết. Sợ nhất là lúc qua cầu – khoác túi vải đựng sách vở lên vai, mảnh áo mưa buộc nút che cả người cả sách nhưng nhiều khi vẫn ướt cả sách lẫn người; chúng tôi sợ hãi dò dẫm từng bước trên chiếc cầu khỉ có ba nhịp, mỗi nhịp là một cành bương hay tre gì đó, to, tròn, trơn và tất nhiên chênh vênh khủng khiếp. Tay bám chắc vào thành cầu, cũng là ghép nối những cây bương, mắt nhìn xuống chân và thấy rất rõ sóng nước cuộn lên dưới chân cầu, rợn ngợp! Mà không hiểu sao ngày ấy tôi chưa bao giờ ngã xuống sông dù mỗi ngày hai lần run rẩy đi qua cây cầu ấy, giờ nghĩ lại, thấy nỗi sợ ngày đó chắc cũng không kém là mấy so với với nỗi sợ hãi của các linh hồn khi đi trên cầu Nại Hà…
Cảm giác lạnh lẽo của mùa đông bớt phần nào khắc nghiệt khi chúng tôi được rời khỏi nơi sơ tán để trở về thành phố, bố mẹ ngoài thời gian tới trường lại tiếp tục làm thêm, ngôi nhà nhỏ của chúng tôi ở phố Ngõ Huyện (sau đổi tên thành Mạc Thị Bưởi) luôn ấm áp bởi khắp nhà là len, sợi và tiếng máy dệt len kéo suốt cả ngày. Tôi nhớ ngày đó, mỗi khi sắm được một món đồ nào đó thì cả nhà vui sướng tới ngẩn ngơ. Một ngày mùa đông, mẹ đi từ trường về, nét mặt hớn hở, dắt xe dựng ở sân rồi vẫn thấy mẹ lúi húi ngoài đó, tôi tò mò chạy ra xem thì thấy mẹ nâng niu một gói vải to – hoá ra hôm ấy mẹ nhờ các cô ở trường mua hộ cho một chiếc vỏ chăn nhung màu đỏ đô.
Ba chị em tôi ríu rít ngắm nghía, tay vuốt nhẹ trên lớp tuyết êm mượt của chiếc vỏ chăn. Vì vỏ chăn bằng nhung nên rất nặng, chị em tôi phải nhờ bố lồng ruột chăn cho, xong đứa nào đứa nấy hồi hộp, sung sướng chui vào chăn, mắt nhắm nghiền để tận hưởng hơi ấm nồng nàn của chiếc chăn dày, nặng. Ngồi đọc sách hay đan len, chị em tôi cũng kiên quyết không ra ngoài, cứ vùi nửa người trong chăn ấm áp. Sau này, mẹ yếu nên chiếc chăn trở nên quá nặng khi đắp, mẹ tháo đường may xung quanh, cắt chiếc vỏ nhung thành hai mảnh, ráp mỗi mảnh với một mặt vải nhẹ, tạo thành hai chiếc chăn, mặt nhung mặt vải. Giờ mẹ mất rồi, tôi và em gái, mỗi đứa giữ một chiếc chăn nhung của mẹ, chiếc chăn nhiều tuổi hơn các con tôi, mặt nhung đã lì và bạc nhưng vẫn ấm lạ lùng – có lẽ hơi ấm có cả từ nỗi nhớ thương với cha mẹ, nỗi xót xa nhớ về những ngày tháng mà mua được một chiếc vỏ chăn đã vui như một ngày hội.
Thời gian ra trường, đi dạy ở huyện Lí Nhân, những ngày mùa đông trở lại đáng sợ gần như thời gian đi sơ tán. Đạp xe đằng đẵng trên con đường đất 20 cây số, để kịp có mặt vào tiết chào cờ sáng thứ hai, tôi và một cô bạn phải rời khỏi nhà từ 5h sáng. Ánh đèn đường của thành phố lùi lại phía sau, chúng tôi lao vào bóng đêm lạnh lẽo trong mưa rét, đường xóc và tối, có lần tôi lao cả xe lên gò ông Đống ven đường Tiểu khu Thống Nhất, ngã dúi dụi, sờ tay lên mặt thấy đầm đìa nước, không biết nước mắt hay nước mưa! Khu tập thể giáo viên nằm giữa cánh đồng hun hút gió, hàng đêm, nghe gió rên rỉ than van trên hàng bạch đàn ven đường, nghe tiếng sóng cuộn trên dòng sông Châu lạnh lẽo, thực sự nhiều lúc muốn bỏ hết để trở về với ngôi nhà ấm áp trên con phố nhỏ thân yêu. Nhưng cũng có rất nhiều điều giữ tôi ở lại, và mãnh liệt nhất tất nhiên là tình yêu cùng sự ngây thơ trong trẻo vô cùng của những đứa trẻ nghèo – những túi khoai lang nóng hổi được trò mang đến lớp, ngượng ngùng dúi vào tay cô kèm lời động viên: “Cô cứ ăn đi, nhà em còn nhiều lắm, còn thừa cho cả lợn nữa mà!”; những buổi dồn hai lớp vào để học bù ngày nghỉ, bài giảng qua chiều sang tối, thầy trò đang hào hứng thì mất điện, cô bối rối, trò phấn khích: “Cô cứ dạy tiếp đi ạ, cô không cần ghi bảng nữa, chúng em sẽ ngồi im nghe…”, bài giảng mò trong bóng tối hôm ấy như có men say, say tới tận hôm nay…
Rồi một mùa đông, số phận đính kèm sổ hưu một giấy nhập viện… Mùa đông năm ấy đến chậm, rất chậm, nhưng một hôm, trong cái bơ vơ của tuổi tác và bệnh tật (hai trong số rất nhiều điều con người phải tự mình đối diện), bỗng nhận ra mùa đông đã về trong không gian vắng lạnh của bệnh viện. Cầm chai dịch truyền ra gần cửa sổ tầng 8, nhìn xuống đường – con phố nhỏ nghiêng mình trong gió, những bóng người hối hả trên đường, co ro trong tà áo ấm, nhỏ bé và đơn côi, nhớ tới câu thơ XD: “Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang, những chuyến đò”…, bỗng thấy mơ hồ sự lạnh lẽo của mùa đông, thấm thía trong lòng. Từng giọt dịch truyền chắp nối thành câu, thành chữ trong tâm trí:
“Mùa đông lỡ hẹn, muộn màng
Người đàn ông đọc câu thơ bâng khuâng:
” Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”
Người đàn bà nhặt rau và mơ mộng:
” … Vờ như mùa đông đã về”!
Chiều nay đông về…
Hối hả, ngượng ngùng bù đắp
Với cả gió, cả mưa, cả tiếng lá quặn lòng se thắt
Người đàn bà hồi hộp lồng chăn
Người đàn ông vội trở về nơi loài người hay gọi là ” tổ ấm”!
Ngoài đường vắng chỉ còn gió, còn mưa, còn tiếng lá quặn lòng se thắt
Và đông buồn bơ vơ
Khi người nhớ mùa đông chỉ vì thèm hơi ấm!”
Rất hay đau, ốm vào mùa đông, nhưng thật kì lạ khi đây vẫn là mùa tôi yêu nhất – yêu cái se sắt của gió, cái hanh hao của không khí, cái xám buồn của bầu trời, cái bơ vơ của con người khi cuộn mình trong giá lạnh…
Ngẫm ra, trong cuộc đời, hình như chúng ta thường hay dành tình yêu cho những gì làm mình đau khổ…