Tác giả Lê Phượng

M ấy hôm nay trời trở rét, bóc tờ lịch thấy ghi Lập Đông lòng bỗng nhiên nhớ cái lạnh từ những năm nào. Huế trở lạnh cũng bất ngờ, hôm qua còn nắng gắt chỉ một đêm mưa, sáng ra trời trở lạnh và thế là mùa đông đã về, lại nhớ Thạc Liêm lão hòa thượng từng nói về mùa đông xứ Huế :

”Tứ thời giai thị hạ. Nhất vũ tiệm thành đông” (bốn mùa đều là mùa hạ, chỉ một cơn mưa đã biến thành đông). Quả đúng vậy, sau một đêm mưa trời đã sang đông.

Huế lạnh kéo theo mưa, mưa khi ầm ào, khi rả rích, khi lây phây, mưa triền miên không dứt. Đêm nghe mưa rơi trên mái nhà như đang gõ bản tình sầu muôn thuở, gió thổi tạt mưa, tiếng mưa khi đậm khi nhạt nghe như tiếng người phụ nữ buồn than thở suốt canh thâu.

Giá như chỉ mưa không lạnh hoặc chỉ lạnh không mưa thì đỡ biết mấy! Nhưng Huế mưa kèm theo lạnh, mưa và lạnh như đôi bạn song hành từ muôn thưở đến và thấm vào người khiến người ta vừa ẩm ướt vừa tái tê, dễ đau cơn phong thấp.

Mùa đông xứ Huế sao mưa nhiều thế! Hình như đèo Hải Vân là tấm bình phong chặn gió, chặn mây, khiến mây khắp nơi như tụ về đây và mưa cứ thế mà ào ào trút xuống Huế. Mưa trắng xóa, mưa mịt mờ, mưa làm dật dờ cả cỏ cây hoa lá . Mưa lâu, trời như xuống thấp phủ một màu xám xịt. Huế vốn âm trầm, cổ kính, mưa lạnh càng buồn. Ban ngày nhà nhà đóng cửa để tránh rét, đêm đêm cây đèn đường soi bóng trong làn mưa cô quạnh, hắt hiu. Chàng thi sĩ đất Bắc Nguyễn Bính một lần đến Huế nhìn mưa xứ Huế từng than thở:

“Giời mưa xứ Huế sao buồn thế.
Cứ kéo dài ra suốt mấy ngày”.

Mưa và lạnh, những chiếc áo ấm cũ được giặt giũ phơi phóng từ mùa trước được mạ lôi ra khỏi rương hòm cho chúng tôi mặc, mùi băng phiến( long não ) ủ trong áo quần như gợi một cái gì xưa cũ.

Sáng không muốn rời mình khỏi chăn, cứ muốn nằm lâu hơn chút nữa, lâu hơn chút nữa.. hoặc ước không phải đi đâu, làm gì và được nằm mãi để hưởng cái hơi âm ấm từ thân mình tỏa ra ủ trong chăn. Rời giường là cái lạnh ùa tới bao vây, sờ cái gì cũng lạnh: nước lạnh, cánh cửa sắt lạnh, vá muỗng lạnh… đụng vào cái gì cũng thấy lạnh. Cái lạnh như bao trùm phủ chứa trong vạn vật. Lạnh đến nỗi không dám cởi chiếc áo để thay trước lúc đến trường, người người đi lại co ro, miệng xuýt xoa vì lạnh.

Nhìn ra cánh đồng một màn mưa sương vây phủ, cái lạnh như quấn quanh các chân lúa, ủ trong lạnh, hoa trai dọc các chân ruộng nở xanh ngan ngát, những con chim , con cò lặng lẽ mò tôm bắt cá trên đồng dáng cũng co ro. Chiều chiều những chú gà đứng bên đống rơm để trú mưa nhìn cũng xơ xác.

Lạnh và mưa nên đi học lúc nào cũng phải mặc áo mưa, áo không chỉ che mưa cho khỏi ướt mà còn ngăn lạnh. Nhiều khi trên đường, gió tạt, mưa thốc vào người khiến chúng tôi phải co cụm lại nép vào nhau. Miệng và môi đứa nào cũng tím tái, lời nói còn bốc cả khói.

Cả một mùa kéo dài là mưa nên áo mưa cũng mòn rách mà hồi ấy cũng không phải dễ dàng mua áo mưa mới hay có áo mưa tiện lợi như bây giờ, chúng tôi phải đi dán áo mưa, bàn tay khéo léo của người thợ hàn áo đã làm lành lại những chỗ rách, những đường hở giúp chúng tôi vượt qua cả mùa đông , nhiều khi còn dùng cho năm sau. Một thời đầy khó khăn thành kỷ niệm!

Mưa! Mưa kéo dài, áo quần giặt phơi mãi không khô. Tôi nhớ mạ tôi, mỗi tối quạt một chậu than lớn để mọi người đi về hơ tay cho ấm, phía trên chậu than úp cái bội (lồng) sắt để hong quần áo, có khi mạ tôi còn cho vài củ sắn vào lùi (sắn người ta nhổ cho khỏi thối), mùi sắn chín thơm phức, chúng tôi quây quanh chậu than vừa hong tay cho ấm vừa bẻ sắn ăn, miệng đen nhẻm vừa cười vừa nói chuyện, bên ngoài vẫn mưa rả rích. Cái lạnh cũng đem lại những phút giây ấm áp yên bình!

Tôi cũng nhớ mãi cái lồng ấp của nội tôi, nó được tạo nên từ một chiếc trách đất nhỏ, bên ngoài được bọc bằng một cái lồng tre, trong trách bỏ những cục than đỏ hồng phủ một lớp tro để giữ lửa cho bền, chiếc lồng ấp giúp cho nội tôi vượt qua mùa đông còn tôi lúc nào cũng ké tay vào hơ cho ấm. Nội tôi đã đi xa, chiếc lồng âp cũng không còn, có còn chăng trong tôi là nỗi nhớ những mùa đông cũ.

Lạnh kéo theo đói, lạnh làm cơ thể mất nhiều năng lượng nên mau đói. Đông lạnh làm tôi lại nhớ mùi ruốc sả mạ tôi kho trong chiếc trách nhỏ, mạ tôi cho vào trách vài muỗng tóp mỡ đảo cùng hành tỏi cho thơm, cho ruốc, sả, ớt, đường và một chút vị tinh vào kho cho quánh lại sền sệt. Mùi ruốc hòa cùng mùi đường, sả, ớt và tóp mỡ bốc lên làm bụng cứ cồn cào. Có lẽ món ruốc kho sả không chỉ có ở nhà tôi mà nó là một món chung, một nét chung của người Huế trong mùa đông lạnh. Để khi đi xa, ta thấy nó cứ vương vấn, cứ thơm hoài trong tâm trí.

Và còn bao điều nữa mà tôi không thể mang theo khi tôi rời Huế mà đi, tôi đã bỏ lại mùa đông bên kia đèo Hải Vân như bỏ lại những cơn mưa bên kia bờ thương nhớ để khi nhìn lại cứ thấy khắc khoải trong lòng

Giờ đây, cuộc sống đã bao đổi thay, không biết trái đất đã nóng lên hay những điều kiện thuận như bếp gaz, bếp điện, chăn ấm nệm êm đã làm cho con người ta bớt lạnh hay sống lâu trong lạnh người ta quen lạnh rồi, tôi cũng không biết nữa? Hỏi ra, bây giờ Huế đã bớt lạnh hơn nhưng những kỷ niệm về những ngày đông cũ vẫn in đậm mãi trong tôi.

Lê Phượng