Nhớ khi còn là anh chiến sỹ Biên phòng. Trong một cái Tết đón Xuân ở biên cương. Đêm 30 Tết, đồn biên phòng tổ chức hái hoa dân chủ, vui tết cùng bà con đồng bào vùng biên. Lên hái hoa, tôi nhận mảnh giấy ghi: “Đồng chí nêu cảm nghĩ của mình về đất nước, tình yêu”. Tôi hồi hộp nói những điều tự đáy lòng mình, đại cương: “Đất nước trong tôi ư? Với tôi, hai từ “đất nước” vô cùng thân thương và giản dị. Đó là tiếng mẹ hát ru, giai điệu ngọt ngào trìu mến, có cánh cò bay lả bay la, có tiếng xào xạc của ngọn tre trong đêm trăng thanh gió mát… Sau này khi đi học, thích câu thơ: “Lời tổ quốc êm êm như tiếng Má…”. Vui lắm, vì tôi đã tìm được sự đồng cảm trong sách vở.
Quan niệm về “Đất Nước” của tôi, có sự đồng điệu của ba tôi, người lính lái xe Trường Sơn năm xưa. Ba tôi kể, sau mỗi chặng đường dài ôm vô lăng vươn cung, vượt tuyến tiếp lửa cho mặt trận là những lần mắc võng trong đại ngàn Trường sơn ngủ thiếp, nghe đâu đó ở trong lòng có tiếng mẹ ru hời. Thì ra tiếng hát mẹ ru luôn theo chúng ta dù không gian và thời gian có thể là xa vời, xa ngái. Tôi ngộ ra: lời ru của mẹ là bóng mát, là sự sẻ chia khi đối mặt với gian khổ, lúc chân mỏi đường xa…
Đường tuần tra nơi núi rừng biên giới, tôi cứ hình dung và mường tượng đất nước mang dáng hình cánh võng. Hai đầu võng mắc vào hai đỉnh núi Phan xi păng và Núi Bà Đen. Trong lòng bỗng ngân nga : “Đất nước tôi mang dáng hình cánh võng/Vọng ngàn năm tiếng mẹ ầu ơ”. Khi còn ở Trung tâm Huấn luyện chiến sỹ mới, nơi có tần suất cao những khoa mục kỹ chiến thuật chiến đấu bộ binh và những cuộc hành quân dã ngoại. Những cuộc hành quân dù rất mệt nhưng rất vui vì được ra ngoài doanh trại. Ôi nhớ những cuộc hành quân đường dài luyện cho đôi chân thêm dẻo dai. Rồi những đêm đi rèn. “Đi rèn” hai từ chúng tôi đặt tên cho những cuộc hành quân mang vác nặng. Lưng không đeo ba lô, thay vào đó là chiếc sọt đan bằng tre có đựng cục đất nặn, ban đầu là 10, 15, rồi 20 kg theo chiều tăng dần cùng súng và cơ số đạn chiến đấu. Có những đêm khuya đi xuyên qua làng xóm nhỏ, không gian lặng lẽ đang chìm trong giấc ngủ. Ngày ấy nhà nào cũng chỉ thắp ngọn đèn dầu, thấy ánh sáng le lói biết có cô bé hay cậu học sinh đang chăm chú học bài. Những mái nhà tranh trong vườn có cây rơm tối sẫm… Những hình ảnh quen thuộc. Vào giờ này mẹ tôi đang ôm đứa em nhỏ tranh thủ ngủ sớm để khuya dậy cho tằm ăn đêm, hai cậu em học cấp ba đang ngồi học bài, có con mèo mướp cuộn tròn dưới chân lim dim ngủ. Tôi bỗng nhớ tiếng đồng hồ treo tường điểm giờ. Mẹ tôi bảo khi trong nhà thóc ăn còn lưng bồ, đêm tiếng chuông đồng hồ ngân nga, nghe hay lắm. Thóc trong bồ cạn thì chả muốn nghe nữa, câu nói này cứ theo tôi mãi.
Hành quân qua những làng xóm nghe tiếng gà gáy, tiếng chim gù lòng nao nao nhớ nhà. Bất chợt, tiếng hát ru con ngân nga, ấm áp vô cùng, nghe mượt mà như phù sa ru biển lúa. Lòng rưng rưng thấu cảm tình mẹ thiêng liêng và cảm động. Tình mẹ có ở khắp nơi và lời ru cũng có ở khắp nơi giữa mênh mang trời đất. Chợt hiểu sâu hơn câu thơ của Nguyễn Duy: “ Dẫu con đi trọn cuộc đời/vẫn không đi hết những lời mẹ ru”. Tình cha mẹ ngọt ngào, sâu lắng gửi bao ước mơ, hi vọng về tương lai bay cao bay xa như con thuyền từ sông đi ra biển lớn.
“Con cò bay lả bay la/ bay từ cửa Phủ bay ra cánh đồng…”. Tôi không nhớ thuộc nằm lòng câu ca dao là lời bài hát ru của mẹ từ khi nào. Có thể ngay từ cái buổi chiều tối tháng năm thơm lành hoa cau ấy, khi mẹ sinh tôi. Hay cũng có thể ngay từ khi tôi đang còn là bào thai, mẹ hát ru cái giọt máu béo nghịch luôn cựa quậy, quẫy đạp ở trong bụng. Khái niệm đất nước trong tôi có từ rất sớm, giản dị, gần gũi và dễ thương.
Là con đầu, cháu sớm tôi được ông bà, ba mẹ và hai người cô ruột chăm bẵm “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Bà nội và mẹ hay vỗ về cho cái ngủ ngoan là tôi khi còn bé bỏng, yên giấc trên chiếc võng sợi đay đan mắt cáo mắc vào hai cột nhà. Chiếc võng đua bổng cùng với lời hát ru ngọt ngào, thân thương, vời vợi ngân rung từ cõi lòng thiết tha. Hình ảnh dòng sông, bến nước, con đò, chiếc cầu tre bắc qua con mương nước đỏ phù sa …cứ lần lượt hiện ra như một thước phim mộc đang quay chầm chậm. Hình ảnh bà nội, mẹ tôi tần tảo, lam lũ ( ba tôi là bộ đội lúc này đang ở ngoài mặt trận) hiển hiện ra với biểu hiện giàu tình thương yêu, trìu mến. Lời hát ru như bóng râm giữa trưa hè oi ả, như biển lúa vàng đang dập dờn trước gió… Tôi lớn lên trong tiếng hát ru của bà, mẹ và của các cô. Và cũng vẫn tiếng hát ru ấy với những đứa em tôi, êm đềm đi vào giấc ngủ ngoan cho mẹ đi cấy đồng xa. Sau này, khi hát ru các con của mình, tôi cũng dùng những ca từ và giai điệu thấm đẫm trong lòng để dìu cái ngủ đến với các thiên thần bé nhỏ của tôi.
Chiều mùa hè ở quê là những chiều chạy chơi trong con ngõ nhỏ hay đuổi bướm bắt chim trong vườn “thượng uyển” của bà nội. Mải chơi trong ca từ và giai điệu hát ru của người lớn ru trẻ nhỏ tôi cảm nhận tình mẫu tử, tình anh chị em “máu chảy ruột mềm”. Những cảm nhận non nớt, đầu đời về lòng mẹ yêu những đứa con hơn chính cả bản thân mình. Lời hát ru dạy tôi biết yêu thương quê hương xứ sở, thổi vào tâm hồn làn gió mát của tình người, tình đất bao la. “Lúa tháng năm kén tằm vàng óng/ hạt khô giòn đem đóng thuế năm/ thúng đầy anh gánh tôi gồng/ kĩu cà, kĩu kịt qua sông qua đò…”. Lời hát ru không chỉ là câu hát, lời dạy bảo ân cần, ánh sáng niềm tin tưởng và là sức mạnh vươn lên, lớn lên. Lời hát ru chính là chiếc mỏ neo siêu hình luôn neo giữ hình ảnh quê hương nơi sinh ra trong tim dù bạn có đi đâu, về đâu . Hình ảnh quê hương luôn cổ vũ, khích lệ sự vươn lên như cánh cò cần mẫn cõng nắng sang sông.
Rồi những sáng mùa đông tháng giá, bầu trời ảm đạm, rét buốt, rơm rạ phơi đầy ngõ. Anh em chúng tôi chơi trò trốn tìm sau những đụn rơm rạ trong tiếng hát ru bổng ròi rọi, chị ru em ngủ: “Em ơi em ngủ cho ngoan/ mẹ còn đi cấy đồng xa chưa về…”. Tuổi thơ của tôi có lẽ may mắn hơn người, êm đềm trôi qua trong tình thương yêu vô bờ bến của ông bà cha mẹ. Ngày ấy, tôi đâu biết những giai điệu hát ru bắt nguồn từ xa xưa và sẽ đi theo suốt cả một đời.
Tiếng hát ru bồi đắp tâm hồn thi ca cho người dân Đất Việt như phù sa bồi đắp những cánh rừng ngút ngàn cây đước Cà Mau. Trong tôi nguyên lành khái niệm “Đất Nước” là tiếng mẹ hát ru con, chị hát ru em. “ Đất Nước tôi mang dáng hình cánh võng/Vọng ngàn năm tiếng mẹ ru hời”.
Chung Tiến Lực